Bài 12: Cơ chế xác định giới tính

Trả lời câu hỏi Sinh 9 Bài 12 trang 39: Quan sát hình 12.2 và trả lời các câu hỏi sau:

– Có mấy loại trứng và tinh trùng được tạo ra qua giảm phân?

– Sự thụ tinh giữa các loại tinh trùng mang NST giới tính nào với trứng để tạo hợp tử phát triển thành con trai hay con gái?

– Tại sao tỉ lệ con trai và con gái sơ sinh là xấp xỉ 1:1?

Trả lời:

– Qua giảm phân tạo ra một loại trứng (22A+X) và hai loại tinh trùng (22A+X và 22A+Y)

– Sự thụ tinh giữa tinh trùng mang NST giới tính X với trứng sẽ tạo hợp tử phát triển thành con gái. Sự thụ tinh giữa tinh trùng mang NST giới tính Y với trứng sẽ tạo hợp tử phát triển thành con trai.

– Tỉ lệ con trai và con gái sơ sinh là xấp xỉ 1:1 do 2 loại tinh trùng mang NST X và NST Y được tạo ra với tỉ lệ ngang nhau, tham gia vào quá trình thụ tinh với xác suất như nhau.

Bài 1 (trang 41 sgk Sinh học 9) : Nêu những điểm khác nhau giữa NST giới tính và NST thường.

Lời giải:

Điểm khác nhau giữa NST giới tính và NST thường:

NST thường NST giới tính
Tồn tại thành từng cặp tương đồng, giống nhau ở cả hai giới. Có 1 cặp NST tương đồng: XX và 1 cặp NST không tương đồng: XY, khác nhau ở hai giới.
Tồn tại với số lượng cặp nhiều trong tế bào. Thường tồn tại 1 cặp trong tế bào
Quy định tính trạng thường của tế bào và cơ thể. Quy định tính trạng liên quan tới giới tính.

 

Bài 2 (trang 41 sgk Sinh học 9) : Trình bày cơ chế sinh con trai, con gái ở người. Quan niệm cho rằng người mẹ quyết định việc sinh con trai hay con gái là đúng hay sai?

Lời giải:

Cơ chế sinh con trai, con gái ở người được giải thích dựa trên cơ chế xác định giới tính. Đó là sự phân li của cặp NST giới tính trong quá trình phát sinh giao tử và tổ hợp lại qua quá trình thụ tinh.

Giải bài 2 trang 41 sgk Sinh 9 | Để học tốt Sinh 9

(A là cặp NST thường, XX là cặp NST giới tính nữ, XY là cặp NST giới tính nam).

Quan niệm cho rằng sinh con trai hay con gái là do phụ nữ là không đúng vì qua giảm phân người mẹ chỉ sinh ra một loại trứng (mang NST X), còn người bố cho ra hai loại tinh trùng (một mang NST X và một mang NST Y). Sự thụ tinh giữa trứng với tinh trùng mang NST X sinh ra con gái, còn sự thụ tinh giữa trứng với tinh trùng mang NST Y sẽ sinh ra con trai. Như vậy chỉ có con trai có NST Y quyết định giới tính nam, ở nữ không có NST Y quyết định giới tính nam nên quan niệm trên là sai.

Bài 3 (trang 41 sgk Sinh học 9) : Tại sao trong cấu trúc dân số tỉ lệ nam : nữ xấp xỉ 1 : 1?

Lời giải:

Trong cấu trúc dân số tỉ lệ nam, nữ xấp xỉ bằng nhau do sự phân li của cặp NST XY trong phát sinh giao tử ra hai loại tinh trùng mang NST X và Y với tỉ lệ bằng nhau và bằng 1 : 1. Qua thụ tinh của hai loại tinh trùng này với trứng mang NST X tạo ra hai loại tổ hợp XX và XY với số lượng ngang nhau có sức sống ngang nhau do đó tỉ lệ nam : nữ xấp xỉ 1 : 1.

Bài 4 (trang 41 sgk Sinh học 9) : Tại sao người ta có thể điều chỉnh tỉ lệ đực : cái ở vật nuôi. Điều đó có ý nghĩa gì trong thực tiễn?

Lời giải:

– Sự phân hoá giới tính chịu ảnh hưởng của các nhân tố môi trường bên trong (hoocmon sinh dục) và bên ngoài (nhiệt độ, ánh sáng,…).

Ví dụ: Dùng mêtyl testostêrôn tác động vào cá vàng cái có thể biến thành cá đực (về kiểu hình).

– Ở một số loài rùa, nếu trứng được ủ ở nhiệt độ dưới 28oC sẽ nở thành con đực, nếu nhiệt độ trên 32oC trứng nở thành con cái.

– Nắm được cơ chế xác định giới tính và các yếu tố ảnh hưởng tới sự phân hoá giới tính người ta có thể chủ động điều chỉnh tỉ lệ đực : cái ở vật nuôi cho phù hợp với mục đích sản xuất.

Bài 5 (trang 41 sgk Sinh học 9) : Ở những loài mà giới đực là giới dị giao tử thì những trường hợp nào trong các trường hợp sau đảm bảo tỉ lệ đực : cái xấp xỉ 1 : 1?

a) Số giao tử đực bằng số giao tử cái.

b) Hai loại giao tử mang NST X và NST Y có số lượng tương đương.

c) Số cá thể đực và số cá thể cái trong loài vốn đã bằng nhau.

d) a) Xác suất thụ tinh của hai loại giao tử đực mang (NST X và NST Y) với giao tử cái tương đương.

Lời giải:

Đáp án: b,d.