Soạn bài: Ôn tập về phần tập làm văn

I. Về văn biểu cảm

Câu 1: Các bài văn biểu cảm được học và đọc trong ngữ văn 7

– Cổng trường mở ra của Lý Lan

– Trường học của Ét-môn-đô đơ A-mi-xi

– Mẹ tôi của Ét-môn-đô đỡ A-mi-xi

– Cuộc chia tay của những con búp bê của Khánh Hoài

– Thư cho một người bạn hiểu về đất nước mình của I-ri-na Ki-xlô-va

– Tấm gương của Băng Sơn

– Tản văn Mai Văn Tạo của Mai Văn Tạo

– Cây sấu Hà Nội của Tạ Việt Anh

– Sấu Hà Nội của Nguyễn Tuân

– Cây tre Việt Nam của Thép Mới

– Người ham chơi của Hoàng Phủ Ngọc Tường

– Những tấm lòng cao cả của Ét-môn-đô đơ A-mi-xi

– Mõm Lũng Cú tột Bắc của Nguyễn Tuân

– Cỏ dại của Tô Hoài

– Quà bánh tuổi thơ của Đặng Anh Đào

– Tuổi thơ im lặng của Duy Khán

– Kẹo mầm của Băng Sơn

– Một thứ quà của lúa non: Cốm của Thạch Lam

– Sài Gòn tôi yêu của Minh Hương

– Mùa xuân của tôi của Vũ Bằng

Câu 2: Đặc điểm của văn biểu cảm:

– Văn biểu cảm chủ yếu viết ra để bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của người viết với đối tượng biểu cảm ( con người, cây cối, con vật, đồ vật, tác phẩm văn học,… )

– Bố cục 3 phần:

+ Mở bài: nêu đối tượng biểu cảm, khái quát cảm xúc ban đầu

+ Thân bài: nêu cảm nghĩ về đối tượng

+ Kết bài: Khẳng định lại cảm xúc mà mình dành cho đối tượng

– Tình cảm thể hiện phải trong sáng, rõ ràng, chân thực.

Câu 3: Vai trò của yếu tố miêu tả trong văn biểu cảm

Trong bài văn biểu cảm, yếu tố miêu tả cảnh vật, đồ vật, con người chủ yếu là để bộc lộ tư tưởng, tình cảm. Do đó, ta không miêu tả cụ thể, hoàn cảnh chính mà chỉ chọn những chi tiết, thuộc tính, sự việc nào có khả năng gợi cảm để biểu hiện cảm xúc, tư tưởng mà thôi.

Câu 4: Ý nghĩa của yếu tố tự sự trong văn biểu cảm

Yếu tố tự sự có tác dụng gợi cảm rất lớn, nhất là khi kể các hành động cao cả, nghĩa khí, vị tha hoặc các hành vi thiếu đạo đức. Trong văn biểu cảm, cái quan trọng là ý nghĩa sâu xa của sự việc buộc người ta nhớ lâu và suy nghĩ, cảm xúc về nó.

Câu 5: Cách biểu đạt tình cảm trong bài văn biểu cảm

Để bày tỏ tình thương yêu, lòng ngưỡng mộ, ngợi ca đối với một con người, sự vật, hiện tượng, ta phải nêu lên tính chất, đặc điểm cơ bản, nổi bật của con người, sự vật, hiện tượng đó. Ta có thể chọn một hình ảnh có ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng để gửi gắm tình cảm, tư tưởng, hoặc biểu đạt bằng cách thổ lộ trực tiếp những nỗi niềm, cảm xúc trong lòng. Tình cảm trong bài phải rõ ràng, trong sáng, chân thực.

Câu 6: Ngôn ngữ biểu cảm

Ngoài cách biểu cảm tình cảm trực tiếp như tiếng kêu, lời than, văn biểu cảm còn sử dụng các biện pháp tự sự, miêu tả để khêu gợi tình cảm, nhiều biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, tượng trưng, điệp từ…