Bài 27: Bài thực hành số 2: Tính chất hóa học của khí clo và hợp chất của clo

Bài 1: Viết bản tường trình (trang 120 sgk Hóa 10)

1. Điều chế khí clo. Tính tẩy màu của khí clo ẩm.

– TN: Cho vào ống nghiệm khô vài tinh thể KMnO4

Nhỏ tiếp vào ống vài giọt dd HCl đậm đặc.

Đậy ống nghiệm bằng nút cao su có có đính 1 băng giấy tẩm màu

Quan sát hiện tượng

– Hiện tượng: Có khí màu vàng lục bay ra. Giấy màu ẩm bị mất màu

– Phương trình phản ứng:

16HCl + 2KMnO4 → 2KCl + 2MnCl2 + 5Cl2 + 8H2O

Cl2 + H2O ⇆ HCl + HClO.

– Giải thích hiện tượng: Khí màu vàng lục là khí Cl2, khí Cl2 gặp môi trường nước tạo nước clo.

Nước clo có tính tẩy màu nên làm mất màu băng giấy ẩm

2. Điều chế axit clohiđric.

-TN: Dùng 2 ống nghiệm:

+ Ống 1: cho 1 ít muối ăn, sau đó rót dd H2SO4 đậm đặc vừa đủ để thấm ướt lớp muối ăn.

+ Ống 2: Thêm khoảng 8ml nước cất vào ống nghiệm

Lắp dụng cụ TN như hình 5.11 SGK Trang 120

Đun nóng ống nghiệm 1 đến khi sủi bọt mạnh thì dừng.

Nhúng giấy quỳ tím vào dd trong ống 2. Quan sát hiện tượng

– Hiện tượng: Có khí thoát ra ở ống 1. Giấy quỳ tím nhúng vào ống nghiệm 2 chuyển sang màu đỏ.

Phương trình phản ứng: NaCl(rắn) + H2SO4 → NaHSO4 + HCl

– Giải thích. Phản ứng sinh ra khí HCl, dẫn khí vào ống nghiệm 2 ta thu được dung dịch HCl có tính axit nên làm quỳ tím chuyển màu đỏ.

3. Bài tập thực nghiệm phân biệt các dung dịch.

Phân biệt 3 dung dịch mất nhãn: HCl, NaCl, HNO3.

– Trích mẫu thử và đánh số thứ tự:

– Sử dụng thuốc thử là quỳ tím và dd AgNO3

– TN:

Lần lượt nhúng quỳ tím vào 3 mẫu thử và quan sát

+ 2 ống nghiệm làm quỳ tím chuyển đỏ là HCl, HNO3.

+ ống nghiệm không làm đổi màu quỳ tím là NaCl

Sau đó nhỏ vài giọt dung dịch AgNO3 lần lượt vào 2 ống nghiệm chứa HCl, HNO3

+ Ống nghiệm có kết tủa trắng xuất hiện là ống chửa HCl

+ Ống còn lại là HNO3.

PTHH: AgNO3 + HCl → AgCl + HNO3