Soạn bài Kiến thức ngữ văn lớp 10 trang 63 Tập 1 – Cánh diều

Soạn bài Kiến thức ngữ văn lớp 10 trang 63 Tập 1

Soạn bài Kiến thức ngữ văn lớp 10 trang 63 Tập 1 - Cánh diều

1. Chèo cổ

– Chèo cổ (còn gọi là chèo sân đình, chèo truyền thống) thuộc thể loại sân khấu dân gian, ra đời từ xa xưa, phát triển mạnh mẽ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chèo cố phản ánh đời sống vật chất, tâm hồn, tình cảm của con người trong xã hội phong kiến, ca ngợi những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người, phê phán các thói hư tật xấu, thể hiện sâu sắc tinh thần nhân văn. Những vở chèo cổ đặc sắc gồm: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình – Dương Lễ, Kim Nham, Trương Viên, Từ Thức,..

– Chèo cổ là bộ môn nghệ thuật tổng hợp của ngôn từ, âm nhạc, vũ đạo, tạo hình,… Kịch bản chèo (tích chèo) là phần nội dung chính của vở diễn, thường lấy từ các truyện cổ tích, truyện Nôm, truyện cười, được các nghệ nhân hoặc nhà sưu tầm, nghiên cứu, ghi chép lại thành văn bản, trong đó có cốt truyện, nhân vật kèm lời thoại và các chỉ dẫn về bối cảnh, trang phục, hoạt động trên sân khấu,…

2. Tuồng

– Tuồng là loại hình sân khấu truyền thống của dân tộc. Tuồng được chia làm hai loại: tuồng cung đình (còn gọi là tuồng thầy, tuồng pho) và tuồng hài (còn gọi là tuồng đố).

Tuồng cung đình viết về đề tài trung với vua, đánh giặc bảo vệ đất nước, bảo vệ triều đình, có âm hưởng bi tráng, giàu kịch tính, mâu thuẫn căng thẳng, quyết liệt giữa hai phe trung – nịnh, tốt – xấu,… Có thể kể đến các vở tuồng cung đình tiêu biểu như: Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Đào Tam Xuân,…

– Tuồng hài viết về các đề tài sinh hoạt, lấy tiếng cười để phản ánh hiện thực xã hội, có cốt truyện phong phú, gần gũi với cuộc sống của người bình dân xưa. Các vở tuồng hài tiêu biểu là: Nghêu, Sò, Ốc, Hến, Trương Ngáo, Trương Đỗ Nhục, Trần Bố,..

– Nghệ thuật tuồng là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn từ, âm nhạc, vũ đạo, hội hoạ và các trò diễn dân gian. Cũng như chèo, kịch bản tuồng là một văn bản có cốt truyện, nhân vật kèm lời thoại và chỉ dẫn về bối cảnh, trang phục, hoạt động trên sân khấu,…

3. Sửa lỗi dùng từ (tiếp theo)

Ngoài các lỗi dùng từ không đúng hình thức ngữ âm, chính tả; không đúng ý nghĩa (như đã học ở Bài 1), người viết, người nói còn phải chú ý khắc phục những lỗi sau:

– Dùng từ sai quy tắc ngữ pháp: Biểu hiện thường gặp của lỗi này là người nói, người viết sắp xếp trật tự từ không đúng, nói, viết thiếu hư từ hoặc dùng hư từ không đúng.

Ví dụ: “Số người mắc bệnh và chết các bệnh truyền nhiễm đã giảm.”. Cách sửa: “Số người mắc bệnh và chết vì các bệnh truyền nhiễm đã giảm.” (Bổ sung kết từ vì).

– Dùng từ không hợp với phong cách ngôn ngữ: Lỗi này do người viết, người nói chọn từ không phù hợp với văn cảnh, hoàn cảnh giao tiếp hoặc thể loại văn bản.

Ví dụ: 

“Bố đã trình bày hết ý kiến của mình, các con đã quán triệt đầy đủ chưa?”. Các từ in đậm đều không phù hợp với tính chất thân mật của cuộc trò chuyện trong gia đình. Cách sửa: Thay thế từ “trình bày bằng từ “nói”, từ “quán triệt” bằng từ “hiểu” trong câu trên.

– Dùng lặp từ, lặp nghĩa. Lặp từ là dùng nhiều lần một từ trong câu hoặc trong những câu liền kề nhau khiến cho câu văn, đoạn văn trở nên nặng nề.

Ví dụ: 

“Có thể nói, Chí Phèo có thể trở thành người lương thiện nếu xã hội Chí Phèo sống là một xã hội khác… Cách sửa: “Chí Phèo có thể trở thành người lương thiện nếu xã hội anh ta sống là một xã hội khác.”. Lặp nghĩa là lặp lại một thuộc tính đã có sẵn. trong từ ngữ đứng trước đó.

Ví dụ: “Trong các giải pháp để chọn, đây là giải pháp tối ưu nhất.”, Cách sửa: “Trong các giải pháp để chọn, đây là giải pháp tối ưu.”.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 Cánh diều hay nhất, ngắn gọn khác: