Bài 30: Sự nhân lên của virut trong tế bào chủ

Trả lời câu hỏi Sinh 10 Bài 30 trang 120: Vì sao mỗi loại virut chỉ có thể xâm nhập vào một số loại tế bào nhất định?

Lời giải:

Mỗi loại virut chỉ có thể xâm nhập vào một số loại tế bào nhất định vì trên bề mặt tế bào chủ có các thụ thể dành riêng cho mỗi loại virut, chỉ khi các gai glicôprôtêin hoặc prôtêin bề mặt của virut đặc hiệu với thụ thể bề mặt tế bào thì chúng mới có thể xâm nhập vào tế bào được.

Trả lời câu hỏi Sinh 10 Bài 30 trang 120: – Các đối tượng nào được xếp vào nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao?

– Tại sao nhiều người không hay biết mình đang bị nhiễm HIV. Điều đó nguy hiểm như thế nào đối với xã hội?

Lời giải:

– Virut HIV có thể lây nhiễm qua 3 con đường là: qua đường máu, qua đường tình dục và truyền từ mẹ sang con. Vì vậy, các đối tượng được xếp vào nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao là những đối tượng tiêm chích ma túy, gái mại dâm,…

– Nhiều người không hay biết mình đang bị nhiễm HIV vì giai đoạn ủ bệnh kéo dài lâu và không có biểu hiện bệnh rõ rệt. Giai đoạn sơ nhiễm biểu hiện bệnh chưa rõ, có thể sốt nhẹ (kéo dài 2 tuần – 3 tháng) nên dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Giai đoạn không triệu chứng kéo dài 1 – 10 năm. Lúc này số lượng tế bào limphô T – CD4 giảm dần, đến khi cơ thể suy giảm miễn dịch trầm trọng thì các vi sinh vật cơ hội tấn công gây triệu chứng, đây là giai đoạn biểu hiện triệu chứng AIDS.

– Việc nhiều người không hay biết mình đang bị nhiễm HIV là nguy hiểm vì khi chưa biểu hiện triệu chứng, người bệnh có thể không biết mình bị nhiễm HIV nên không có biện pháp phòng ngừa dẫn đến nguy cơ truyền nhiễm virut HIV sang người khác cao.

Bài 1 (trang 121 sgk Sinh học 10): Nêu 5 giai đoạn nhân lên của virut trong tế bào.

Lời giải:

Năm giai đoạn nhân lên của virut trong tế bào gồm:

+ Giai đoạn hấp phụ:

– Gai glycôprôtêin hoặc prôtêin đặc hiệu của virut bám lên thụ thể bề mặt của tế bào.

+ Giai đoạn xâm nhập:

– Phagơ: enzim lizôzim phá hủy thành tế bào để bơm axit nuclêic vào tế bào chất, vỏ nằm bên ngoài.

– Virut động vật: nuclêôcapsit vào tế bào chất sau đó “cởi vỏ” để giải phóng axit nuclêic.

+ Giai đoạn sinh tổng hợp: Virut sử dụng enzim và nguyên liệu của tế bào để tổng hợp axit nuclêic và prôtêin vỏ cho riêng mình.

+ Giai đoạn lắp ráp: lắp axit nuclêic vào prôtêin vỏ để tạo virut hoàn chỉnh.

+ Giai đoạn phóng thích:

– Virut phá vỡ tế bào ồ ạt chui ra ngoài.

– Khi virut nhân lên làm tan tế bào thì gọi là chu trình tan.

Bài 2 (trang 121 sgk Sinh học 10): HIV có thể lây nhiễm theo những con đường nào?

Lời giải:

Trong máu người nhiễm HIV có virut HIV. Virut HIV có thể lây nhiễm theo 3 con đường:

+ Qua đường máu: truyền máu, tiêm chích, xăm mình, ghép tạng…

+ Qua đường tình dục: khi quan hệ tình dục không an toàn.

+ Từ mẹ sang con: khi thai càng lớn thì khả năng truyền HIV từ mẹ sang con ngày càng cao; trong sữa mẹ có HIV, khi trẻ bú sữa mẹ, virut sẽ thâm nhập vào cơ thể trẻ thông qua những vết thương hở ở đường tiêu hóa.

Bài 3 (trang 121 sgk Sinh học 10): Thế nào là bệnh cơ hội và vi sinh vật gây bệnh cơ hội?

Lời giải:

– Ở điều kiện bình thường, một số vi sinh vật thường không thể gây bệnh.

– Khi cơ thể yếu, khả năng miễn dịch bị suy giảm thì các vi sinh vật này sẽ gây bệnh. Bệnh này gọi là bệnh cơ hội. Vi sinh vật gây bệnh gọi là vi sinh vật cơ hội.

Bài 4 (trang 121 sgk Sinh học 10): Tại sao lại nói HIV gây hội chứng suy giảm miễn dịch?

Lời giải:

Đối tượng tấn công của virut HIV là tế bào limpho T4 (T- CD4), đây là tế bào thuộc hệ miễn dịch. Khi các tế bào này bị HIV tấn công, số lượng tế bào trong cơ thể sẽ bị giảm nhanh chóng, hệ thống miễn dịch trở nên suy yếu và dẫn đến mất khả năng miễn dịch. Vì vậy HIV được gọi là virut gây hội chứng suy giảm miễn dịch.

Bài 5 (trang 121 sgk Sinh học 10): Cần phải có nhận thức và thái độ như thế nào để phòng tránh lây nhiễm HIV?

Lời giải:

Hiện nay chưa có vacxin phòng HIV hữu hiệu. Do vậy, để phòng tránh lây nhiễm HIV chúng ta cần có nhận thức và thái độ đúng đắn.

– Phải có lối sống lành mạnh.

– Bài trừ trừ các tệ nạn xă hội.

– Không tiêm chích ma túy.

– Đảm bảo an toàn khi truyền máu, ghép tạng, không xăm mình, không dùng chung bơm kim tiêm.

– Khi mẹ đã bị nhiễm HIV thì không nên sinh con.

– Nâng cao ý thức cộng đồng, am hiểu về HIV.

– Tạo điều kiện giúp đỡ người nhiễm HIV hòa nhập cuộc sống.