Bài 7: Tế bào nhân sơ

Bài 1 (trang 34 sgk Sinh học 10): Thành tế bào vi khuẩn có chức năng gì?

Lời giải:

– Thành tế bào vi khuẩn có độ dày từ 10 – 20 nm, được cấu tạo bằng chất peptiđôglican (pôlisaccarit liên kết với peptit).

– Chức năng:

+ Quy định hình dạng của tế bào và bảo vệ tế bào.

+ Dựa vào sự bắt màu của thành tế bào với thuốc nhuộm để phân biệt vi khuẩn gram âm và gram dương.

Bài 2 (trang 34 sgk Sinh học 10): Tế bào chất là gì?

Lời giải:

– Tế bào chất là vùng tế bào nằm giữa màng sinh chất và vùng nhân hoặc nhân tế bào.

– Tế bào chất ở mọi loại tế bào đều gồm hai thành phần chính: bào tương (một dạng chất keo bán lỏng chứa nhiều hợp chất hữu cơ và vô cơ khác nhau) và ribôxôm cùng một số cấu trúc khác.

Bài 3 (trang 34 sgk Sinh học 10): Nêu chức năng của roi và lông ở tế bào vi khuẩn.

Lời giải:

– Chức năng của roi và lông ở tế bào vi khuẩn:

– Một số loại vi khuẩn còn có các cấu trúc được gọi là roi (tiên mao) và lông (nhung mao). Roi có chức năng giúp vi khuẩn di chuyển. Một số vi khuẩn gây bệnh ở người thì lông giúp chúng bám được vào bề mặt tế bào người

Bài 4 (trang 34 sgk Sinh học 10): Nêu vai trò của vùng nhân đối với tế bào vi khuẩn.

Lời giải:

Vùng nhân của tế bào nhân sơ chứa vật chất di truyền, có chức năng truyền đạt thông tin di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vùng nhân của tế bào nhân sơ chỉ chứa một phân tử ADN dạng vòng và được bao bọc bởi các lớp màng, vì thế tế bào loại này được gọi là tế bào nhân sơ.

Bài 5 (trang 34 sgk Sinh học 10): Tế bào vi khuẩn có kích thước nhỏ và cấu tạo đơn giản đem lại cho chúng ưu thế gì?

Lời giải:

Kích thước nhỏ và cấu tạo đơn giản giúp tế bào vi khuẩn có ưu thế:

– Kích thước nhỏ bé thì tỉ lệ giữa diện tích bề mặt tế bào trên thể tích (S/V) lớn giúp tế bào trao đổi vật chất với môi trường nhanh chóng, giúp tế bào sinh trưởng và sinh sản nhanh hơn.

– Cấu tạo đơn giản giúp vi khuẩn dễ dàng biến đổi thành một chủng loại khác khi có sự thay đổi về bộ máy di truyền.