Bài 26: Sinh sản của vi sinh vật

Bài 1 (trang 105 sgk Sinh học 10): Vi khuẩn có thể hình thành các loại bào tử nào?

Lời giải:

Vi khuẩn có thể hình thành các loại bào tử sau:

+ Nội bào tử:

– Thời điểm hình thành:

* Khi vi khuẩn gặp điều kiện môi trường bất lợi: cạn dinh dưỡng, tích lũy quá nhiều độc hại,…

* Khi đi vào giai đoạn cần nghỉ ngơi hoặc đổi mới tế bào trong chu trình sống

– Đặc điểm bào tử: kích thước nhỏ hơn tế bào sinh dưỡng, có vỏ dày là canxi đipicôlinat, có độ chịu nhiệt cao

– Vai trò: tăng khả năng chống chịu, không có vai trò sinh sản

+ Bào tử kín:

– Thời điểm hình thành: giai đoạn sinh sản

– Đặc điểm bào tử: có cuống bào tử, túi bào tử nằm trên đỉnh cuống, bên trong túi chứa các bào tử.

– Vai trò: sinh sản

+ Bào tử trần:

– Thời điểm hình thành: giai đoạn sinh sản

– Đặc điểm bào tử: có cuống bào tử, đỉnh cuống phân nhánh, các bào tử đính vơi nhau trên các nhánh

– Vai trò: sinh sản

Bài 2 (trang 105 sgk Sinh học 10): Cho ví dụ về các bào tử sinh sản ở vi khuẩn và ở nấm.

Lời giải:

– Ở vi khuẩn các bào tử sinh sản là bào tử đốt, ngoại bào tử. Chúng đều là bào tử sinh sản vô tính

– Ở nấm có hai loại bào tử sinh sản:

+ Bào tử hữu tính: bào tử túi (nấm men rượu), bào tử tiếp hợp (nấm tiếp hợp)…

+ Bào tử vô tính: bào tử trần (bào tử đính) có nấm Aspergillus (nấm cúc), nấm Penicillium (nấm chổi) và bào tử túi có ở nấm Mucor.

Bào tử nấm rất đa dạng, có thể chuyển động hoặc không chuyển động.

Bào tử nấm chỉ có các lớp màng cấu tạo chủ yếu từ hêmixenlulôzơ và kitin, không có canxiđipicolinat nên kém chịu nhiệt hơn nội bào tử.

Bài 3 (trang 105 sgk Sinh học 10): Nếu không diệt hết nội bào tử, hộp thịt hộp để lâu ngày sẽ bị phồng, bị biến dạng, vì sao?

Lời giải:

Thịt đóng hộp không được diệt khuẩn đúng quy trình khi để lâu ngày, các nội bào tử mọc mầm phát triển và phân giải các chất, thải ra CO2 và các loại khí khác làm cho hộp bị phồng lên, biến dạng.