Bài 4: Cacbohiđrat và lipit

Trả lời câu hỏi Sinh 10 Bài 4 trang 19: Hãy kể tên các loại đường mà em biết và nêu chức năng của chúng đối với tế bào.

Lời giải:

Một số loại đường:

– Đường đơn: Ví dụ như:

+ Glucôzơ: cấu tạo đường đôi như saccarôzơ; cấu tạo nên đường đa như tinh bột.

+ Fructôzơ: cấu tạo nên đường đôi như saccarôzơ.

+ Galactôzơ: cấu tạo nên đường đôi như lactôzơ.

+ Ribôzơ: cấu tạo nên ribônucleôtit là thành phần của ARN.

+ Đeoxiribôzơ: cấu tạo nên nucleôtit là thành phần của ADN.

– Đường đôi: Ví dụ như mantôzơ, lactôzơ, saccarôzơ,… có chức năng cung cấp năng lượng, cấu tạo đường đa.

– Đường đa: Ví dụ như:

+ Tinh bột: dự trữ năng lượng ở thực vật.

+ Glicôgen: dự trữ năng lượng ở động vật.

+ Xenlulôzơ: cấu tạo thành tế bào thực vật.

Bài 1 (trang 22 sgk Sinh học 10): Thuật ngữ nào dưới đây bao gồm tất cả các thuật ngữ còn lại:

a) Đường đơn

b) Đường đội

c) Tinh bột

d) Cacbohiđrat

e) Đường đa.

Lời giải:

Đáp án D

Bài 2 (trang 22 sgk Sinh học 10): Nêu các cấu trúc và chức năng của các loại cacbohiđrat.

Lời giải:

+ Cấu trúc của cacbohiđrat:

– Cacbohiđrat là hợp chất hữu cơ được cấu tạo từ ba nguyên tố là C, H, O theo nguyên tắc đa phân với đơn phân chủ yếu là các đường 6C.

– Dựa theo số lượng đơn phân trong phân tử mà người ta chia cacbohiđrat thành 3 loại:

• Đường đơn: 1 phân tử đường 6C (glucozơ, fructozơ, galactozơ)

• Đường đôi: 2 phân tử đường 6C liên kết với nhau (saccarôzơ, lactôzơ, mantôzơ)

• Đường đa: nhiều phân tử đường 6C liên kết với nhau (tinh bột, xenlulozơ)

+ Chức năng của cacbohiđrat:

– Là nguồn năng lượng dự trữ của tế bào và cơ thể: đường sữa, glicôgen, tinh bột,…

– Cấu tạo nên tế bào và các bộ phận của cơ thể: xenlulôzơ, kitin, glycôprôtêin,…

Bài 3 (trang 22 sgk Sinh học 10): Nêu và cho biết chức năng của các loại lipit.

Lời giải:

Có 4 loại lipit là: mỡ, photpholipit, sterôit, vitamin và sắc tố

+ Mỡ:

– Cấu tạo: 1 phân tử glixêrol (rượu 3C) liên kết với ba axit béo. Mỗi axit béo thường được cấu tạo từ 16 đến 18 nguyên tử cacbon.

– Mỡ động vật thường chứa các axit béo no; dầu thực vật và một số loài cá chứa nhiều axit béo không no, thường tồn tại ở dạng lỏng.

– Chức năng :dự trữ năng lượng cho tế bào và cơ thể.

+ Phôtpholipit:

– Cấu tạo: một phân tử glixêrol liên kết với hai phân tử axit béo và một nhóm phôtphat.

– Chức năng: cấu tạo nên các loại màng của tế bào.

+ Sterôit:

– Một số lipit có bản chất hoá học là sterôit cũng có vai trò rất quan trọng trong tế bào và trong cơ thể sinh vật.

– Chức năng: cấu tạo nên màng sinh chất của tế bào (côlestêrôn), hoomon giới tính(estrôgen, testosterone)

+ Sắc tố và vitamin:

– Sắc tố: carôtenôit, diệp lục,…

– Vitamin: A, D, K, E