Đề bài: Phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai trong truyện An Dương Vương

Bài làm

Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy không chỉ thu hút bạn đọc ở nội dung hấp dẫn mà còn bởi hệ thống hình ảnh biểu tượng giàu ý nghĩa. Trong hệ thống những hình ảnh đó ta không thể không nhắc đến biểu tượng: ngọc trai – giếng nước. Một chi tiết nghệ thuật giàu ý nghĩa.

Quân Triệu Đà kéo sang xâm lược Âu Lạc lần hai, An Dương Vương chủ quan không phòng bị nên thất bại thảm hại, mang con gái bỏ chạy. Đến bờ biển bị giặc truy đuổi đến gần, ông cầu cứu sứ Thanh Giang đến cứu, Rùa Vàng hiện lên chỉ: “Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc đó”, Mị Châu bị chính cha mình tuốt kiếm giết chết. Trước khi chết nàng có khấng rằng: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu mộ lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”. Nàng chết đi, máu chảy xuống biến thành hạt châu. Trọng Thủy đến nơi chỉ thấy còn xác Mị Châu nên đem về an táng, vì nhớ thương, khi tắm tưởng là Mị Châu nên đã lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò được ngọc ở biển rồi rửa với nước giếng ngọc càng sáng thêm.

Về kết cấu tổ chức tác phẩm đây là chi tiết hợp lí với sự phát triển của tác phẩm. Đây là kết thúc hợp lí cho số phận của Mị Châu và Trọng Thủy, thể hiện cách đánh giá của nhân dân đối với bi kịch tình yêu và bi kịch mất nước của cả hai nhân vật.

Mị Châu chết đi, biến thành ngọc châu, đúng như lời khấn của nàng trước khi chết. Vì nhẹ dạ, cả tin, vì quá yêu chồng và ngây thơ nên nàng vô tình trở thành kẻ bất hiếu, mang danh phản nghịch. Số phận của nàng vô cùng đáng thương, bất hạnh. Thấu hiểu cho tấm lòng của người con gái ngây thơ, khờ dại, vì tình yêu nên đã vô tình gây nên tội lớn, nên khi nàng chết, máu xuống biển đã biến thành những viên ngọc lấp lánh. Nó cũng một lần nữa khẳng định tấm lòng trong trắng của Mị Châu, nàng không hề có ý phản nghịch mưu hại cha, đẩy nhân dân vào cảnh mất nước. Vẻ ngọc sáng lấp lánh cũng chính là vẻ đẹp tâm hồn nàng. Hình ảnh ngọc châu được sáng tạo thể hiện sự cảm thông, xót thương của nhân dân với số phận bất hạnh của Mị Châu, là lời minh oan cho nàng.

Đối với Trọng Thủy, Trọng Thủy dù chiến thắng, hoàn thành nghĩa vụ với vua, là một bề tôi trung thành, nhưng Trọng Thủy lại rơi vào bi kịch tình yêu. Trọng Thủy phải sống trong day dứt, dằn vặt vì đã lừa dối người vợ trong trắng, thủy chung. Hình ảnh giếng nước ở Loa Thành cũng chính là tấm gương phản chiếu tội lỗi của Trọng Thủy, hắn nhảy xuống giếng tự vẫn là kết thúc hoàn toàn hợp lí cho những tội lỗi mà mình đã gây ra, thể hiện sự ăn năn, ân hận của Trọng Thủy. Trọng Thủy không được bất tử hóa như An Dương Vương và Mị Châu, chỉ nhắc đến sau này, nước giếng ấy mà đem sửa ngọc trai thì ngọc trai sáng đẹp hơn, trong sáng hơn. Kết thúc đó cũng thể hiện quan điểm, thái độ của dân gian với nhân vật.

Chi tiết ngọc trai khi rửa ở giếng nước nơi Trọng Thủy tự vẫn là một chi tiết giàu ý nghĩa, một sáng tạo độc đáo của nhân dân ta. Về chi tiết này cũng gợi ra nhiều cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho rằng chi tiết ngọc trai – nước giếng là biểu tượng của mối tình chung thủy: kiếp này không thể trọn vẹn với nhau thì họ hẹn nhau ở kiếp sau. Hiểu như vậy là không thật đúng vì trước khi chết, Mị Châu ngộ ra trong quá trình chung sống với Trọng Thủy, nàng bị dối lừa và trong nàng chỉ còn lòng hận thù. Khi lí trí trở về, không còn nhầm chỗ để trên đầu, nàng không dễ dàng khôi phục tình yêu. Chi tiết ngọc trai rửa ở giếng nước trở nên sáng đẹp hơn chỉ là biểu hiện của sự tha thứ, tha thứ cho Trọng Thủy.

Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là câu chuyện giàu ý nghĩa từ chính những biểu tượng của nó. Để Mị Châu biến thành ngọc châu, rửa với nước giếng nơi Trọng Thủy chất thể hiện tấm lòng nhân đạo bao dung của nhân dân ta. Trước những lầm lỗi luôn sẵn sàng tha thứ, nhưng đồng thời cũng có hình phạt thích đáng cho những kẻ có tội.