Đề bài: Phân tích truyện Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu

Bài làm

Bác Hồ không chỉ được biết đến với những bài thơ dung dị, giàu ý nghĩa mà trong thời gian hoạt động ở nước ngoài đặc biệt là Pháp, tại đây Nguyễn Ái Quốc đã có những tác phẩm viết bằng chữ Pháp có tính chiến đấu mạnh mẽ. Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu là một tác phẩm như vậy. Tác phẩm đã cho thấy vẻ đẹp phẩm chất, nhân cách của người anh hùng Phan Bội Châu đồng thời vạch trần bộ mặt gian xảo của tên Va-ren.

Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Chậu đăng trên báo Người cùng khổ số 36, 37 tháng 9 và tháng 10 năm 1925. Đoạn trích thuộc phần thứ ba nội dung chính là cuộc chạm trán giữa Va-ren và Phan Bội Châu đầy kịch tính, cho thấy ngòi bút châm biếm sắc sảo của Nguyễn Ái Quốc.

Câu chuyện được bắt đầu bằng tình huống hết sức gay cấn, là cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật: vị lãnh tụ cách mạng Phan Bội Châu và bên kia là Va-ren, kẻ sang Việt Nam nhận chức toàn quyền Đông Dương. Trên thực tế không có cuộc gặp gỡ nào giữa hai nhân vật này, mà thực chất đây chỉ là tình huống hư cấu, tác phẩm được viết trước khi Va-ren sang Việt Nam nhận chức. Cách xây dựng tình huống như vậy nhằm vạch trần bộ mặt bịp bợm, hèn hạ của Va-ren và làm nổi bật vẻ đẹp nhân cách của cụ Phan Bội Châu.

Trò lố của Va-ren được tác giả vạch trần ngay từ đầu tác phẩm, vì sức ép của dư luận nên hắn mới phải “nửa chính thức hứa” chăm sóc vụ Phan Bội Châu. Nhưng điều hắn chỉ muốn “chăm sóc đến khi nào yên vị thật xong xuôi ở bên ấy đã”. Những từ ngữ mỉa mai, châm biếm để người đọc có một định hướng về tính cách của nhân vật này.

Và bộ măt thực sự của hắn đã bị vạch trần trong cuộc đụng độ, chạm trán với cụ Phan Bội Châu. Có thể thấy rằng, trong cuộc gặp gỡ này, nhà cách mạng của chúng ta không nói bất cứ điều gì với hắn, chỉ có một mình Va-ren độc thoại, từ đó bộc lộ bản chất xảo quyệt của chính mình. Trước khi bắt đầu cuộc hội thoại mà thực chất là độc thoại, Nguyễn Ái Quốc đã viết một đoạn bình luận vô cùng xuất sắc “Ôi thật là một tấn bi kịch! Ôi thật là một cuộc chạm trán….”, “một kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp” – Va-ren với một bên là cụ Phan Bội Châu “hi sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi….”. Vẽ nên chân dung đối lập giữa hai nhân vật đã cho thấy rõ thái độ của người viết với đối tượng, một bên là mỉa mai, châm biếm, coi thường, một bên là ngợi ca, tôn vinh, yêu quý.

Cuộc mặc cả, ra giá bắt đầu, y dụ dỗ, yêu cầu cụ Phan Bội Châu hãy từ bỏ ngay ý định chiến đấu vì nền độc lập dân tộc: “Ông hãy để mặc đấy những ý nghĩ phục thù” “bỏ đi những mưu đồ xưa cũ và thôi, chớ tìm cách xúi giục đồng bảo ông nổi lên”cùng nhau làm những việc tốt đẹp cho xứ Đông Dương, “làm như vậy ông sẽ được tất cả, được cho đất nước ông, được cho bản thân ông”. Không chỉ dùng lời lẽ đe dọa, hắn còn lấy những dẫn chứng, những kẻ phản bội để cho Phan Bội Châu nghe gương mà bị thuyết phục: Nguyễn Bá Trác, Guy-xta-vơ, A-lếch-xăng,… không dừng lại ở đó, hắn còn khoe những chiến công mình giành được khi phản bội lại giai cấp, phản bội lại bạn bè, phản bội niềm tin: “Trước tôi là đảng viên xã hội đấy, và giờ đây thì tôi làm Toàn quyền…”. Càng về cuối bản chất xảo trá, bịp bợm của Va-ren càng bị vạch trần rõ nét hơn. Những lời Va-ren nói, những hành động hắn làm cho thấy hắn là kẻ bịp bợm, phản phúc và trơ trẽn đến tột cùng.

Trong màn hài kịch trên, Phan Bội Châu hoàn toàn im lặng, sự im lặng đó thể hiện rõ thái độ của nhà cách mạng. Trước hết, ông coi Va-ren không có mặt, bởi vậy, những lời nói của Va-ren chỉ như nước đổ lá khoai. Qua đó còn thể hiện thái độ khinh bỉ “đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, mỉm cười một cách kín đáo, vô hình và im lặng, như cánh ruồi lướt qua vậy” . Thái độ ứng xử đó một lần nữa khẳng định phẩm chất đẹp đẽ của ông: suốt một đời hi sinh cho cách mạng, cho độc lập, tự do của đấtt nước. Không có bất cứ điều gì có thể lay chuyển ý chí cách mạng, tinh thần sắt đá đó của ông. Đặc biệt những dòng kết thúc tác phẩm càng làm nổi bật hơn nữa phẩm chất của cụ Phan Bội Châu: nếu ở trên ta thấy ông im lặng, khinh bỉ thì trong T.B ông thể hiện phản kháng quyết liệt: nhổ vào mặt Va-ren, chi tiết này cho thấy sự khinh bỉ đã được đẩy lên đến tột cùng. Như vậy, cách khép lại tác phẩm đã tạo ra độ mở cho câu chuyện và làm nổi bật chủ đề tác phẩm.

Tác phẩm được viết bằng chất giọng châm biếm, mỉa mai, hóm hỉnh. Tạo dựng tình huống hư cấu bất ngờ, hấp dẫn thể hiện trí tưởng tượng tài hoa của người viết. Qua đó đã làm nổi bật phẩm chất đáng quý của Phan Bội Châu, và bản chất lố bịch, xấu xa của Va-ren.