Soạn bài: Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Nhân dân

Câu 1 (trang 27 sgk Tiếng Việt 5): Xếp các từ ngữ trong ngoặc đơn vào nhóm thích hợp nêu dưới đây:

a) Công nhân

b) Nông dân

c) Doanh nhân

d) Quân nhân

e) Trí thức

g) Học sinh

(giáo viên, đại úy, trung sĩ, thợ điện, thợ cơ khí, thợ cấy, thợ cày, học sinh tiểu học, học sinh trung học, bác sĩ, kĩ sư, tiểu thương, chủ tiệm).

Trả lời:

a) Công nhân: thợ điện, thợ cơ khí.

b) Nông dân: thợ cày, thợ cấy.

c) Doanh nhân: tiểu thương, chủ tiệm.

d) Quân nhân: đại úy, trung sĩ.

e) Trí thức: giáo viên, bác sĩ, kĩ sư.

g) Học sinh: học sinh tiểu học, học sinh trung học.

Câu 2 (trang 27 sgk Tiếng Việt 5): Các thành ngữ, tục ngữ dưới đây nói lên những phẩm chất gì của người Việt Nam ta?

Trả lời:

a) Chịu thương chịu khó: Ca ngợi phẩm chất cần cù trogn lao động, hiền hòa thủy chung trong cuộc sống của nhân dân Việt Nam ta.

b) Dám nghĩ dám làm: Ca ngợi phẩm chất cao đẹp của người Việt Nam ta không lùi bước trước khó khăn, luôn có ý chí vươn lên “cái khó ló cái khôn”.

c) Muôn người như một: Ca ngợi truyền thống đoàn kết của người Việt Nam ta.

d) Trọng nghĩa khinh tài (tài: tiền của): Ca ngợi người coi trọng đạo lí, coi nhẹ tiền của.

e) Uống nước nhớ nguồn: Ca ngợi phẩm chất ghi ơn, tạc dạ công lao của những người đi trước, luôn nhớ về cội nguồn tổ tiên, những người có công với nước, với dân.

Câu 3 (trang 27 sgk Tiếng Việt 5): Đọc truyện Con rồng cháu tiên (Tiếng việt 5, tập một, trang 27) và trả lời câu hỏi:

a) Vì sao người Việt Nam ta gọi nhau là đồng bào?

b) Tìm từ bắt đầu bằng tiếng đồng (có nghĩa là “cùng”).

c) Đặt câu với một trong những từ vừa tìm được.

Trả lời:

a) Từ truyền thuyết Con rồng cháu tiên: Âu Cơ sinh ra một cái bọc trăm trứng và nở ra một trăm người con trai khôi ngô tuấn tú. Rồi năm mươi người con theo cha về biển, năm mươi người con theo mẹ lên núi, từ đó các triều đại vua Hùng ra đời và cai quản đất nước. Dù ở đâu thì các con của Âu Cơ cũng được sinh ra từ một cái bọc, đó là niềm tự hào của người Việt Nam. Do đó, ngày nay, mọi người thường gọi nhau là đồng bào.

b) Những từ bắt đầu bắt tiếng đồng: đồng đội, đồng chí, đồng lòng, đồng tâm, đồng ý, đồng hội đồng thuyền, đồng nghiệp, đồng đẳng…

c) – Tôi với anh là đồng đội là đồng chí nên chúng ta cần đoàn kết để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

– Tôi đồng ý với nhận xét của đồng chí A.

– Chúng ta là những người đồng hội đồng thuyền.