Đề bài: Triết lý nhân sinh trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Bài làm

Xuân Diệu một trong ba đỉnh cao của phong trào Thơ Mới, ông được đánh giá là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Đạt được danh vị như vậy không chỉ bởi những vần thơ mới mẻ, cách luật so với thơ cũ, mà còn bởi những triết lí nhân sinh hết sức mới mẻ trong thơ ông. Vội vàng được trích từ tập thơ đầu tay của Xuân Diệu, nhưng đã thể hiện những quan điểm triết lí nhân sinh mới mẻ, đúng đắn của chàng trai khi tuổi đời mới 22.

Triết lí nhân sinh là những quan niệm của tác giả về thế giới, con người và vạn vật. Mỗi người sẽ có những quan niệm nhân sinh khác nhau. Đối với Xuân Diệu trong bài thơ Vội vàng triết lí nhân sinh của ông chính là lối sống tận hưởng, tận hiến cho cuộc đời. Và nó được thể hiện đầy đủ, trọn vẹn từ đầu cho đến cuối tác phẩm bằng một giọng văn nhiệt huyết, sôi nổi, thẫm đẫm cảm xúc trữ tình.

Trước hết Xuân Diệu quan niệm thiên đường không ở đâu xa, mà chính ở ngay cuộc sống trần thế này.

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

….

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

Bằng lòng yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên tha thiết, Xuân Diệu đã đưa người đọc vào một khu vườn mùa xuân đầy màu sắc, âm thanh và ánh sáng: đồng nội xanh rì của lá non, cành tơ phơ phất trước gió, là khúc tình si hòa trong không gian mơn mởn sức sống, là ánh sáng ngập tràn khắp nơi. Vẻ đẹp đó đã được ông hữu hình hóa bằng hình ảnh hết sức cụ thể: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Một khái niệm thuộc về sự trừu tượng, dưới con mắt của Xuân Diệu đã được hữu hình hóa, cụ thể hóa bằng cặp môi mọng đầy, căng tràn của người thiếu nữ. Bằng đôi mắt “xanh non” “biếc rờn” Xuân Diệu đã khám phá và khẳng định trốn thần tiên chẳng ở đâu xa, mà hiện hữu ở chính cuộc sống này. Đây là quan niệm hết sức mới mẻ và chính xác, trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, không ít nhà thơ, nhà văn lãng mạn thoát li thực tại để trở về quá khứ (Nguyễn Tuân) hay lẩn tránh vào thế giới siêu nhiên, ma quái (Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử) thì Xuân Diệu lại nhận thấy vẻ đẹp đích thực của cuộc sống trần thế. Nó thể hiện một nhân sinh quan lành mạnh, tiến bộ và tích cực của ông.

Không chỉ vậy, ông còn quan niệm trong cuộc sống trần thế, con người là thứ đẹp nhất và đặc biệt là trong độ tuổi của tình yêu. Nếu như thơ xưa luôn lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp: “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” “Làn thu thủy nét xuân sơn” (Truyện Kiều Nguyễn Du) thì đối với Xuân Diệu con người là đẹp nhất, là chuẩn mực của mọi vẻ đẹp trong cuộc sống. Khu vườn mùa xuân đã biến thành khu vườn của tình nhân, của tình yêu nhập tràn. Trong khu vườn ấy có ong bướm lượn từng đàn trong ngày tháng mật hạnh phúc, có nhưng đóa hoa tươi trong đồng nội xanh rì,.. đâu đâu sự vật cũng gắn kết, hòa quyện với nhau. Thi nhân từ chỗ cảm nhận vẻ đẹp của mùa xuân đã chuyển thành kẻ tình nhân si tình trong khu vườn tình yêu. “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” là một hình ảnh so sánh lạ, sử dụng phép tương giao của thơ phương Tây, họ cho rằng mọi sự vật, hiện tượng đều có sự tương giao với nhau, nếu tháng giêng là cự căng mọng, tràn trề nhựa sống của mùa xuân, thì cặp môi chính là biểu hiện của thanh xuân, của tuổi trẻ. Bằng sự hữu hình hóa các khái niệm trừu tượng, Xuân Diệu đã hữu hình hóa để tận hưởng vẻ đẹp mùa xuân một cách rõ nét, trọn vẹn. Đây tiếp tục là quan niệm nhân sinh mới mẻ, tiến bộ của Xuân Diệu, con người là chuẩn mực của mọi cái đẹp.

Và cuối cùng, trước cuộc sống quá đỗi đẹp đẽ như vậy con người phải biết tận hưởng trọn vẹn, không chỉ vậy còn phải tận hiến thanh xuân của mình cho cuộc đời. Xuân Diệu rất nhạy cảm trước sự chảy trôi của thời gian, bởi ông ý thức được thời gian trôi đi là không bao giờ trở lại.

“Xuân đương tới, nghĩa la xuân đương qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”.

Thời gian không tuần hoàn, mà chảy trôi một đi không trở lại, cũng giống như tuổi xuân của con người, chúng ta chỉ có một đời người, một thanh xuân, làm sao có thể đảo ngược thời gian để sống lại một lần nữa cảm xúc nồng cháy của thanh xuân. Bởi vậy tôi mới “bâng khuâng” “tiếc cả đất trời”. Chính vì hiểu được sự chảy trôi của thời gian nên hình thành trong Xuân Diệu khát vọng sống cuống quýt đến mức vồ vập: tôi muốn ôm, ta muốn riết, ta muốn say, ta muốn thâu. Càng về sau ước muốn càng trở nên mãnh liệt, “tham lam” một cách đáng yêu, “thâu” tất cả sự sống, cái đẹp, tình yêu trong một nụ hồn say đắm, nồng nàn để cho “chếnh choáng” “đã đầy” “no nê” thanh sắc, hương thơm của cuộc đời. Ông dang rộng vòng tay, mở tung cảm xúc của bản thân để đón nhận những gì đẹp đẽ nhất của cuộc đời vào lòng. Và cuối cùng là hành động đầy mạnh bạo, một lời mời gọi đầy tha thiết: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”.

Để thể hiện triết lí nhân sinh mới mẻ của mình, Xuân Diệu đã sử dụng thành công hình ảnh biểu tượng mùa xuân gắn liền với tuổi trẻ. Mùa xuân chính là tuổi trẻ, thanh xuân, là hạnh phúc, là tình yêu. Bên cạnh đó ông cũng sử dụng biện pháp so sánh, điệp từ, các động từ mạnh, lối chuyển đổi cảm giác độc đáo, góp phần tạo nên sự thành công trong tác phẩm.

Xuân Diệu quả xứng danh là nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới. Ngay từ tập thơ đầu tay với bài Vội vàng ông đã thể hiện quan niệm nhân sinh mới mẻ của mình, đó là tình yêu vào cuộc sống trần thế và đề cao con người. Đây là quan niệm nhân sinh tiến bộ và đầy tính nhân văn. Nó cho thấy nhân sinh quan lành mạnh, tích cực của một con người luôn sống hối hả, gấp gáp để tận hưởng, tận hiến cho cuộc đời.

Đề bài: Phân tích triết lí nhân sinh trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu

Bài làm

Xuân Diệu là một nghệ sĩ tài năng đầy sáng tạo, có vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa thơ ca. Thơ ông là tiếng lòng của một con người luôn khao khát giao cảm với đời, say mê cái đẹp. Ông là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ. Một trong những bài thơ nổi tiếng được nhiều độc giả biết đến là “Vội vàng” thể hiện cái tôi cá nhân luôn khao khát tận hưởng cuộc sống, yêu đời mãnh liệt ẩn đằng sau tình yêu ấy là quan niệm triết lí nhân sinh sâu sắc về thời gian, tuổi trẻ, ccon người và vẻ đẹp cuộc sống được Xuân Diệu truyền tải từ bao đời nay vẫn còn nguyên giá trị.

Triết lí nhân sinh chính là những quan niệm có ý nghĩa đối với cuộc đời được mọi người đón nhận và tiếp thu một cách tích cực. Triết lí nhân sinh trong thơ ca được tác giả gửi gắm qua các hình ảnh thơ giàu giá trị, giàu cảm xúc nó không tự nhiên hiện lên mà ẩn ngầm sau lớp ngôn từ để người đọc tự phát hiện và tự chiêm nghiệm, khám phá.

Thứ nhất triết lí nhân sinh về thời gian. Nếu thơ xưa quan niệm thời gian là tuần hoàn, xoay vòng thì với Xuân Diệu đi ngược lại điều đó, ông cho rằng thời gian tuyến tính, một đi không trở về:

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”.

Xuân ở đây là chỉ mùa xuân của thiên nhiên đất trời và mùa xuân của đời người là tuổi trẻ. Mùa xuân của vạn vật năm lần bảy lượt đến rồi lại đi còn cuộc đời con người chỉ có một lần tồn tại, chẳng bao giờ thắm lại lần hai. Bởi “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Tác giả sử dụng nghệ thuật đối lập lấy thời gian vô hạn của vũ trụ đối với thời gian hữu hạn của đời người. Với cặp từ đối: tới-qua, non-già của hai câu thơ cho thấy tác giả đang tô đậm sự trôi chảy mất mát của thời gian. Nhà thơ cảm nhận thấy điều ấy ngay cả khi nó vừa mới bắt đầu “Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt”, xuân đến cũng là xuân đang qua, xuân còn non rồi cũng sẽ già, sự vật qua đi ngay cả khi nó đang hiện hữu trong cuộc đời và không có gì là tồn tại mãi mãi. Qua đó cho thấy thái độ trân trọng từng khoảnh khắc sự sống và không lãnh phí thời gian của tác giả. Đó là phát hiện mới mẻ, là quan niệm nhân sinh sâu sắc mà thi nhân muốn gửi gắm.

Thứ hai triết lí nhân sinh về tuổi trẻ. Với ông trong cuộc đời của mỗi con người khoảng thời gian hạnh phúc nhất, tươi đẹp nhất là những năm tháng tuổi trẻ ngắn ngủi, thời gian tuổi trẻ lại đẹp nhất khi có tình yêu đó mới là hạnh phúc đích thực con người. Nhà thơ nhận ra quy luật tồn tại, sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian với vạn vật có sự sống nên nhà thơ nuối tiếc và thúc giục chúng ta hãy vội vàng lên đường, hãy đi để tận hưởng cuộc sống, để cho tuổi trẻ có ý nghĩa “Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm”. Hơn một lần ta bắt gặp lời gọi, lời hối thúc ấy của Xuân Diệu như câu thơ: “Mau với chứ vội vàng lên với chứ/ Em em ơi tình non sắp già rồi”. Lời giục giã sống vội ấy không phải là lối sống vị kỉ, chỉ biết tận hưởng thành quả của người khác mà theo quan niệm của ông sống vội là cuộc sống có ý nghĩa “Sống toàn tim! toàn trí! sống toàn hồn!/Sống toàn thân! và thức nhọn giác quan”, khi ấy con người ta biết tận lực cố gắng, tận hiến tài năng và tận tâm, tận hưởng vẻ đẹp tạo hóa ban tặng. Đó là cả sự sống mới bắt đầu mơn mở, là mây đưa và gió lượn, là cánh bướm với tình yêu, là non nước, cây cối và cỏ rạng… để rồi niềm say mê tận hưởng của con người ấy phải thốt lên rằng: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”. Nhà thơ muốn chiếm trọn, muốn sở hữu, muốn hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên đất trời. Tuy nhiên ngày nay có không ít bạn trẻ hiểu sai quan niệm sống vội của nhà thơ mà chạy theo cách sống vị kỉ cá nhân, chỉ thích hưởng thụ ăn chơi đua đòi mà quên mất cách lao động và cống hiến. Nhà thơ như nhắc nhở các bạn trẻ đừng bỏ lỡ, phí hoài thanh xuân tươi đẹp bởi những việc vô bổ. Hãy sống, hãy học, hãy làm, hãy vui chơi tận hưởng hết mình bởi “không cho dài thời trẻ của nhân gian” rồi đến một lúc nào đó “Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi”. Khi còn trẻ không cố gắng thì về già suốt một đời còn lại chỉ sống trong nuối tiếc. Tuổi trẻ đừng dễ dàng bỏ rơi hạnh phúc thật sự. Đó là một triết lí nhân sinh ý nghĩa nhất mà Xuân Diệu muốn dành cho thế hệ trẻ như một lời nhắn nhủ, lời khuyên của tiền bối gửi đến hậu bối muôn đời. Chính điều đó mà Xuân Diệu được nhà phê bình văn học Hoài Thanh, Hoài Chân nhận xét: “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới – nên chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê”.

Vậy nguồn gốc triết lí nhân sinh của Xuân Diệu bắt nguồn từ đâu? Nhà thơ có được điều đó là từ tâm hồn yêu say mê, tha thiết vẻ đẹp của thiên nhiên, từ ước muốn “tắt nắng”, “buộc gió” để lưu giữ hương sắc đất trời trong khoảnh khắc hiện tại. Bởi thi nhân phát hiện ra vẻ đẹp tuyệt mĩ đang hiện hữu xung quanh ta mà chẳng cần phải thoát lên tiên như Thế Lữ mới thấy được. Trong con mắt của Xuân Diệu có một “bữa tiệc trần gian” đang mời gọi, nhà thơ lần lượt liệt kê những hình ảnh tươi đẹp của thiên nhiên trong bức tranh cuộc sống. Đó là ong bướm có tuần tháng mật, hoa của đồng nội xanh rì, lá của cành tơ phơ phất, có tiếng hót của chim yến chim oanh đang quấn quýt bên nhau… và còn bao điều tuyệt vời như thế nữa, nhìn thấy điều đó hiện lên nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nghiêm khắc nhận xét: “Xuân Diệu đã đốt cảnh bồng lai, xua ai nấy về hạ giới”. Vẻ đẹp đơn sơ bình dị ấy không đặc trưng cho một địa danh hay vùng miền nào mà nó có ở mọi nơi. Như vậy triết lí nhân sinh thứ ba mà Xuân Diệu nêu lên trong tác phẩm là vẻ đẹp cuộc sống chẳng phải ở đâu xa, chẳng cần tìm kiếm ở nơi vời vợi mây trời, nó luôn quanh ta chỉ cần lắng mình phát hiện ra, cảm nhận và trân trọng từng khoảnh khắc ấy sẽ thấy giá trị của cái đẹp.

Đặc biệt nhất là vẻ đẹp của mùa xuân với chi tiết Tháng giêng được so sánh với cặp môi gần qua tính từ ngon “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Đây là một cách so sánh táo bạo, mới mẻ chỉ riêng Xuân Diệu mới có được ý thơ hay như thế. Nếu các nhà thơ trung đại luôn lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho vẻ đẹp con người còn Xuân Diệu thì lấy con người làm trung tâm cho vẻ đẹp của đất trời. Qua đó cho thấy triết lí nhân sinh thứ tư trong bài “Vội vàng” là Xuân Diệu luôn coi trọng và đề cao giá trị của con người.

Bài thơ không phải là giáo lí nhà Phật cũng không phải là báo cáo về triết học nhưng qua hồn thơ của Xuân Diệu nó thực sự để lại cho ta biết thêm về cuộc đời, biết phải làm sao để quý trọng thời gian, biết sống thế nào cho thực sự có ích, có ý nghĩa đặc biệt là đối với giới trẻ.

Như vậy qua bài thơ “Vội vàng” thi sĩ Xuân Diệu đã để lại cho ta nhiều điều đáng suy ngẫm về giá trị của thời gian, tuổi trẻ, con người và vẻ đẹp cuộc sống. Dù hồn thơ đã khép lại, hình hài của thi sĩ cũng đã về với đất mẹ nhưng triết lí nhân sinh ông gửi gắm cho bạn đọc vẫn vẹn nguyên ý nghĩa từ bao đời.