Đề bài: Phân tích bài Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu

Bài làm

Phan Bội Châu là một nhà yêu nước, nhà cách mạng lớn đầu thế kỉ XX. Thơ văn của ông tràn ngập tinh thần yêu nước trên cả hai mảng sáng tác chữ Hán và sáng tác chữ Nôm. Tác phẩm Lưu biệt khi xuất dương được sáng tác vào năm 1905 trước khi ông lên đường sang Nhật Bản. Tác phẩm cho thấy bầu nhiệt huyết tìm đường cứu nước cháy bỏng của người chí sĩ cách mạng.

Chí làm trai làm một phạm trù quan trọng trong văn học trung đại, nó được thể hiện không chỉ ở trong văn học dân gian: “Làm trai cho đáng nên trai/ Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài yên” mà còn thể hiện đậm nét trong các sáng tác trung đại: “Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn biển” (Chí làm trai – Nguyễn Cống Trứ)…. Và đến Phan Bội Châu, ông cũng tiếp nối truyền thống của văn học dân tộc, nhưng có những bước tiến mới, với quan niệm mới mẻ:

Làm trai phải lạ ở trên đời

Há để càn khôn tự chuyển dời.

Đối với Phan Bội Châu làm trai phải “lạ” tức là phải có quan niệm, lí tưởng sống cao đẹp, dám mưu đồ những việc phi thường, hiển hách. Ông không chấp nhận sự xoay vần của vũ trụ, để nó ảnh hưởng đến số phận, cuộc đời mình. Phan Bội Châu cho rằng làm trai không được để bản thân ở thế bị động, để số phận quyết định đời mình mà phải là một nam nhi chủ động, tự tạo nên con đường của bản thân. Điều này đã được minh chứng rõ nét trong cuộc đời của ông. Trước cảnh nước mất nhà tan, giặc ngoại xâm tràn vào bờ cõi, nhiễu nhương đời sống nhân dân, là một người yêu nước thương nòi nên Phan Bội Châu không thể đứng im nhìn cảnh tượng đau lòng đó, ông mang quyết tâm lớn, ra nước ngoài (Nhật Bản) để học tập và tìm con đường cứu nước đứng đắn cho dân tộc. Cuộc đời ông đã minh chứng cho cái “lạ” mà ông thể hiện trong thơ ca. Lí tưởng sống cao đẹp, vì dân vì nước của ông thật đáng trân trọng và tự hào. Hai câu thơ đầy khẩu khí, giọng điệu vô cùng tự tin, táo bạo.

Hai câu thực thể hiện ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với thời cuộc:

Trong khoảng trăm năm cần có tớ,

Sau này muôn thuở há không ai?

Câu thơ thể hiện những khao khát cao đẹp của một nhân cách lớn. “Trăm năm” là cả một đời người, với nhiều biến động của lịch sử xã hội, nhưng ông vẫn khẳng định “cần có tớ” để đem hết tài năng của bản thân cống hiến, hoàn thành sứ mệnh của kẻ làm trai, trả món nợ công danh và lưu danh muôn thuở “Làm trai đứng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ). Câu thơ gợi nhắc ta nhớ đến bài “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ: “Vũ trụ nội mạc phi phận sự” tức mọi việc trong trời đất đều thuộc phận sự của ta. Câu thơ cho thấy sự gặp gỡ của những tư tưởng lớn, nhân cách lớn. Ở họ đều có ý thức sâu sắc về trách nhiệm của cá nhân đối với thời cuộc, học sẵn sàng gánh vác sứ mệnh mà lịch sử giao cho. Câu thơ thứ tư hướng đến thế hệ tương lai, những người tiếp nối sự nghiệp, cho thấy ý thức, khát vọng, cũng như niềm tin của ông vào những thanh niên thế hệ tiếp nối.

Trước tình cảnh của đất nước Phan Bội Châu thể hiện thái độ hết sức quyết liệt:

Non sông đã chết, sống thêm nhục

Hiền thánh còn đâu học cũng hoài

Ông nhận thức sâu sắc về thực trạng đất nước lúc bấy giờ “non sông đã chết” – đất nước đã mất chủ quyền, mảnh đất ông cha đổ bao xương máu mới giữ được nay lại rơi vào tay quân giặc, nhân dân phải sống trong cảnh nô lệ, lầm than. Cuộc sống đó khiến ông cảm thấy “sống thêm nhục” nó là biểu hiện sâu sắc của lòng yêu nước. Trong câu thơ dịch chưa truyền tải hết tinh thần của nguyên tác: “Giang sơn tử hĩ đồ nhuế/ Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si” câu thơ đầy mạnh mẽ, tràn ngập cảm hứng phủ định về nền học vấn Nho học đã lỗi thời, không còn phù hợp với hoàn cảnh đất nước. Để từ đó ông nêu lên khát vọng hành động và tư thế lên đường:

Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

Tác giả dựng lên bối cảnh kì vĩ, to lớn đó là biển đông, là những ngọn gió lớn, những đợt sóng bạc, các sự vật to lớn như vậy mới có thể thể hiện đầy đủ cái hùng tâm tráng trí ôm trùm thiên hạ của một con người yêu nước nồng nàn. Đồng thời cũng làm nổi bật tư thế “bay lên” cho thấy con người có tầm vóc lớn lao, sánh ngang vũ trụ. Câu thơ là kết tinh trọn vẹn khát vọng, hành động đẹp đẽ của Phan Bội Châu: ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đồng thời cũng là cách thức ông thỏa chí làm trai.

Ngôn ngữ thơ cô đọng, giàu sức truyền cảm. Giọng điệu thơ tâm huyết, sâu lắng, đầy sôi sục, hào hùng. Những vần thơ có tác động mạnh mẽ với tâm lí người đọc, nó như một bài tuyên truyền cổ vũ, động viên con người hãy đứng lên và hạnh động vì đất nước.

Xuất dương lưu biệt đã khắc họa một cách chân thực và lãng mạn vẻ đẹp hào hùng của nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu đầu thế kỉ. Ông mang trong mình những tư tưởng canh tân mới mẻ, táo bạo với lòng nhiệt huyết sục sôi, cuộn trào, khát vọng lên đường cháy bỏng để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc.

Đề bài: Phân tích bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” của Phan Bội Châu

Bài làm

Năm 1858 thực dân Pháp xâm lược Việt Nam chúng thi hành chính sách bóc lột sức lao động, đàn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong bể máu, khiến cho lòng dân vô cùng căm phẫn. Chính điều đó đã thôi thúc các nhà yêu nước nung nấu con đường giải phóng dân tộc. Tiêu biểu trong thời kì đầu là Phan Bội Châu_ông vừa là nhà cách mạng yêu nước đồng thời là một nhà văn hóa lớn. Ông để lại nhiều trước tác trên nhiều lĩnh vực trong đó thi ca chiếm một nội dung quan trọng. Nổi bật trong thơ của Phan Bội Châu là bài “Lưu biệt khi xuất dương”. Bài thơ đã lưu lại tình cảm, cảm xúc của tác giả lúc từ biệt trước khi sang Nhật đồng thời thể hiện tinh thần, ý chí quyết tâm cứu nước của người chiến sĩ cách mạng.

“Lưu biệt khi xuất dương” được Phan Bội Châu sáng tác khi khát vọng cứu nước đang thực hiện một cách thuận lợi, hội Duy Tân vừa mới được thành lập khi đó ông chủ trương đưa một số thanh niên Việt Nam có ý chí, tinh thần ham học hỏi sang Nhật học tập sự văn minh, khoa học của họ để về giúp nước giúp dân. Đây là một tư tưởng tiến bộ nhưng lịch sử lại không lựa chọn do còn phạm phải những sai lầm, tuy nhiên điều đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho dân tộc.

Bài thơ được viết bằng chữ Hán theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật với bố cục rõ ràng, mạch lạc theo cấu trúc đề-thực-luận-kết thể hiện được cái “chí” của nhà thơ. Hai câu thơ đầu là quan niệm mới mẻ về chí làm trai và tư thế, tâm thế, tầm vóc của con người trong vũ trụ.

“Sinh vi nam tử yếu hi kì

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di”

(Làm trai phải lạ ở trên đời/ Há để càn khôn tự chuyển dời). Chí làm trai của đấng nam nhi phải có khát vọng, hoài bão lớn lao, phải làm được việc hiếm việc lạ ở trên đời. Tư tưởng này đã được kế thừa của các tiền nhân như Phạm Ngũ Lão trong bài thơ “Thuật hoài” có viết: “Nam nhi vị liễu công danh trái/ Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”. Chính vì cái lẽ ấy mà không chịu để cho trời đất tự chuyển dời thể hiện tầm vóc lớn lao của con người trong vũ trụ bao la như tư thế “hoành sóc” (cầm ngang ngọn giáo) hiên ngang của người nam tử. Gắn với bối cảnh của thời đại, thực tế của đất nước lúc bấy giờ chí làm trai theo Phan Bội Châu phải xoay chuyển được “càn khôn” chủ động lập lại thời thế không chịu chấp nhận nỗi nhục mất nước, không chịu làm nô lệ.

Nếu như hai câu thơ đầu là tuyên ngôn về chí làm trai với tư tưởng muốn bứt phá ra khỏi giới hạn bé mọn của bản thân, mong muốn cứu nguy cho dân tộc đồng thời khẳng định vị thế của mình trong trời đất thì hai câu thực nói về ý thức trách nhiệm của cá nhân trước thời cuộc.

“Ư bách niên trung tu hữu ngã

Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy”

(Trong khoảng trăm năm cần có tớ/ Sau này muôn thuở há không ai?). Trong câu 3 đối với câu 4 lấy cái hữu hạn của “bách niên” để đối với cái vô hạn của “thiên tải”, lấy cái phủ định để khẳng định ý chí quyết tâm của tác giả cho thấy vai trò, sự chủ động của cá nhân trước bối cảnh lịch sử. Ở trong khoảng trăm năm (trong khoảng thời gian của đời người) cần thiết phải có ta. Ta phải làm việc lớn, gánh vác việc đời của thời đại mình thì trăm năm sau mới có thế hệ khác. Nếu không sau này “há không ai?”đây là một câu nghi vấn, hỏi nhưng cũng là để tự mình trả lời, tự mình thể hiện mình. Điều đó cho thấy tinh thần tự nhiệm, tự mình của tác giả đồng thời cũng khẳng định sự nối tiếp thế hệ anh hùng của dân tộc “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt thời nào cũng có”.

Để minh chứng cho con đường cứu nước của mình là đúng đắn ở hai câu luận tác giả nêu lên tình cảnh của đất nước và chỉ ra những điều xưa cũ không còn phù hợp với thời đại mới.

“Giang sơn tử hĩ sinh đồ chuế

Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si”

(Non sông đã chết sống thêm nhục/ Hiền thánh còn đâu học cũng hoài). “Non sông đã chết” dân tộc đã bị xâm lăng, đất nước đã mất chủ quyền sống cũng chỉ thêm nhục nhã. Câu này tác giả nói đến lẽ sống và cái chết để khẳng định lí tưởng sống có nghĩa là phải lật lại “càn khôn”, lấy lại hồn nước, làm cho dân tộc được độc lập tự do. “Hiền thánh”ở đây chỉ Nho học. Nó đã không còn nữa, phải gác nó lại theo học cái học thực tế để canh tân đất nước. Có người nói Phan Bội Châu phủ nhận vai trò của Nho giáo, điều này là không đúng bởi ông cũng xuất thân nơi “Cửa Khổng sân Trình” nhưng bối cảnh thời đại bây giờ Nho giáo trở nên lạc hâu, lỗi thời cần thay đổi. Chữ “hoài” trong bản dich thơ chưa thể hiện được bản chất “si” (U mê, mê muội một điều gì đó mất lí trí) trong nguyên tác. Hai câu thơ là lời nhắn nhủ của tác giả đến thế hệ trẻ phải đổi mới quan niệm, tư tưởng không nên theo lối mòn, sáo rỗng không có ích cho sự nghiệp cứu nước.

Hai câu kết thể hiện khát vọng hành động cứu nước, khắc họa tư thế hiên ngang, hào hùng của con người ở buổi lên đường:

“Nguyện trục trường phong Đông hải khứ

Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”

(Muốn vượt bể đông theo cánh gió/ Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi). Ở câu thơ thứ nhất mang hai nét nghĩa trừu tượng và cụ thể. Với nét nghĩa trừu tượng thể hiện mong muốn vượt lên chính mình, vượt qua giới hạn bản thân làm nên việc lạ ở trong khoảng trăm năm. Với nét nghĩa cụ thể để chỉ phong trào Đông Du, chỉ những người thanh niên yêu nước mong muốn học tập cái mới để giúp nước. Tuy nhiên bản dịch thơ trong sách giáo khoa từ “Cánh gió” chưa lột tả được thần sắc của “trường phong” là cơn gió lớn, cơn gió dài nó là sự quyết tâm, quyết liệt ra đi cứu nước của tác giả. Câu cuối “nhất tề phi” là cùng bay lên ở đây là chỉ con sóng hay chỉ khát vọng của tác giả hay chỉ cả hai khát vọng của ta cùng với hàng ngàn con sóng cùng bay lên giữa biển khơi rộng lớn. Theo em cách hiểu thứ ba là hợp lí vì tác giả “xuất dương” mang trong mình hoài bão lớn lao. Hai câu kết với hai hình ảnh kì vĩ “trường phong” và “thiên trùng bạch lãng”làm cho chí khí, tư thế của người chiến sĩ vượt lên thực tại đen tối với đôi cánh của lí tưởng cách mạng vươn ngang tầm vũ trụ được thể hiện qua vị ngữ “nguyện trục”, “nhất tề phi” khiến ta liên tưởng đến hai câu thơ trong “Hành lộ nan” (Đi đường khó) của Lí Bạch: “Trường phong phá lãng hội hữu thì/ Trực quải vân phàm tế thương hải” (Cưỡi gió vượt sóng ắt có lúc/ Dong thẳng buồm mây vút bể xanh).

“Lưu biệt khi xuất dương” thể hiện được lí tưởng cứu nước cao cả, nhiệt huyết sục sôi với tư thế đẹp đẽ và khát vọng lên đường cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trong buổi đầu cứu nước. Về nghệ thuật bài thơ được làm theo luật bằng, đúng niêm, đúng luật của thể thơ đã được quy ước, tuy nhiên có nét cách tân đổi mới điều đó được thể hiện ở đại từ “Ngã” (ta). Ở trong thơ trung đại cái tôi cá nhân bị lu mờ, ít thấy tác giả xuất hiện trực tiếp do người trung đại không coi mình là trung tâm mà chỉ là một bộ phận trong chỉnh thể lớn.Nhưng ở đây tác giả đã tự tin thể hiện bản lĩnh, chí hướng, khát vọng, quyết tâm của con người trong thời đại mới. Sử dụng ngôn ngữ phóng đại với hình ảnh kì vĩ, lãng mạn thể hiện được cái chí của mình.

Vần thơ đã khép lại bấy lâu nay nhưng hồn thơ, thần sắc của bài thơ cùng với hình ảnh của một Phan Bội Châu quyết tâm, hăm hở, chủ động ra đi tìm đường cứu nước đã để lại tiếng vang, ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử. Phan Bội Châu không những về sự nghiệp vận động giải phóng dân tộc là một nhân vật tiêu biểu cho giai đoạn chống Pháp của nhân dân Việt Nam đầu thế kỉ XX mà còn là nhà thơ, nhà văn với những đóng góp có giá trị cho nền văn học nước nhà.