Đề bài: Phân tích nhân vật Giăng-văn-giăng trong đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền”

Bài làm

V.Huy-gô nhà văn lãng mạn thiên tài của nước Pháp, là người bạn, người đồng hành với những con người khốn khổ. Các tác phẩm của ông thể hiện tình yêu thương sâu sắc đối với con người đặc biệt là đối với những người lao động nghèo khổ, bất hạnh. Trong sự nghiệp sáng tác của ông, ta không thể không nhắc đến “Những người khốn khổ” – cuốn tiểu thuyết vĩ đại của loài người, thể hiện giá trị nhân văn cao cả của tác giả.

Đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” được trích từ phần 1 quyển 8 chương IV của tác phẩm, phản ánh cuộc đối đầu gay gắt giữa Gia-ve và Giăng Van-giăng qua đó làm bật lên chủ đề của tác phẩm. Tuy chỉ là một lát cắt, một trích đoạn ngắn song nó cũng đã thể hiện rõ số phận, cũng như phẩm chất đẹp đẽ của Giăng Van-giăng.

Nhan đề đoạn trích là “Người cầm quyền, khôi phục uy quyền”, vậy người cầm quyền là ai? Vì sao đã là người cầm quyền lại khôi phục uy quyền? Trong đoạn trích Giăng Van-giăng vốn là một ông thị trưởng – quyền lực, nhưng sau đó quyết định đầu thú – tù khổ sai – không có quyền lực. Trước giờ phút đi đầu thú ông chưa mất đi hoàn toàn quyền lực của mình. Ông đến từ biệt Phăng-tin và sẵn sàng rút thanh giường bệnh để đe dọa tên Gia-ven, lúc này quyền lực của Giăng Van-giăng được khôi phục. Nhưng ngay sau đó ông lại nói: “Bây giờ tôi thuộc về anh” tức là mất đi quyền lực hoàn toàn. Còn Gia-ve cũng là một quyền lực khác, đại diện cho pháp luật, ông ta chỉ mất đi quyền lực trong một thời gian ít ỏi, sau đó khôi phục được ngay quyền lực của mình. Nhưng xét ở khía cạnh đó, ý nghĩa của nhan đề sẽ mất đi tính nhân văn của nó. Nếu xét trên bình diện đạo đức, cái thiện – Giăng Van-giăng và cái ác – Gia-ve thì ở đây cái thiện đã thắng thế hoàn toàn, đã khôi phục được quyền lực của mình. Và xét như vậy mới có thể đi đúng với tinh thần nhân bản của tác giả được đề cập đến trong toàn bộ văn bản.

Giăng Van-giăng là một con người nghèo khổ, vì cuộc sống túng quẫn, nhìn đám cháu thơ dại chịu đói, Giăng Van-giăng đã đi ăn trộm bánh mì về nuôi cháu. Hành động đầy yêu thương đó đã bị kết tội, và Giăng Van-giăng đã phải chịu án tù khổ sai mười chín năm. Ra tù, Giăng Van-giăng nhận được sự giúp đỡ của giám mục Mi-ri-en ông đã trở thành một con người tốt, đổi tên thành Ma-đơ-len, lập nên xưởng may để giúp đỡ những người nghèo khổ, kém may mắn. Giăng Van-giăng được mọi người yêu quý và được bầu làm thị trưởng ở một thị trấn nhỏ.

Giăng Van-giăng là người có tấm lòng lương thiện, luôn yêu thương, giúp đỡ mọi người. Hành động ăn cắp bánh mì của ông cũng là xuất phát từ tình yêu thương ông dành cho những đứa cháu. Nhưng ở xã hội bấy giờ hành động đó lại là một tội ác không thể tha thứ, đẩy Giăng Van-giăng vào tù. Nhưng bản chất lương thiện đã không bị nhà tù tàn độc dập tắt, nhận được sự giúp đỡ của giám mục ông vẫn trở thành người tốt. Ngay cả khi được làm thị trưởng, Giăng Van-giăng vẫn không vì lợi ích cá nhân mà để người khác chịu oan, ông quyết định ra đầu thú để cứu nạn nhân bị Gia-ve bắt oan. Đó là biểu tượng của một con người thành thực, có tình yêu thương đối với mọi người.

Tình yêu thương còn được thể hiện rõ hơn trong cuộc gặp gỡ, trò chuyện với chị Phăng-tin trước khi buộc phải đi theo Gia-ve. Điều ông quan tâm nhất lúc này là làm sao co thể tìm được con cho Phăng-tin, quan tâm đến bệnh tình của chị. Thấy Phăng-tin run lên vì sợ hãi, Giăng Van-giăng hết sức điềm tĩnh, nhẹ nhàng trấn án chị: “Cứ yên tâm. Không phải nó bắt chị đâu” để Phăng-tin bớt lo lắng. Trước thái độ hung hãn của Gia-ve, Giăng Van-giăng vẫn hết sức điềm tĩnh, nhún nhường: “thưa ông tôi muốn nói riêng với ông câu này” cách nói rất tế nhị “Tôi biết là anh muốn gì rồi”. Không chỉ vậy, để giữ lời hứa với Phăng-tin, Giăng Van-giăng sẵn sàng cầu xin Gia-ve cho mình ba ngày để đi tìm Cô-dét đứa con gái cho chị Phăng-tin. Mọi cử chỉ nhún nhường ấy đều là vì chị Phăng-tin, ông không muốn làm người bệnh thêm phần hoang mang, sợ hãi, sợ cú sốc tinh thần sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của chị.

Trước cái chết của Phăng-tin, Giăng Van-giăng vô cùng đau đớn, kết tội Gia-ve đã gây nên cái chết thương tâm này. Trước thi thể người phụ nữ bất hạnh, Giăng Van-giăng quỳ xuống thành giường, nỗi xót thương trào dâng và thầm thì vào tai người đã khuất, vuốt mắt cho chị đi xuôi. Những cử chỉ đó thể hiện tình yêu thương, nỗi đau đớn chân thành, sâu sắc với sự ra đi của chị Phăng-tin.

Không chỉ mang trong mình tình yêu thương, Giăng Van-giăng còn là một con người kiên cường, dũng cảm chống cự lại quyền lực. Bị phát hiện chính là người tù khổ sai, Gia-ve đến bắt đi, nhưng Giăng Van-giăng vẫn hết sức từ tốn đón nhận điều đó. Nếu trước đó cầu xin, nhún nhường với Gia-ve để bảo toàn cho Phăng-tin thì sau khi chị Phăng-tin chết, Giăng van-giăng dùng giọng điệu đầy thách thức với Gia-ve, yêu cầu hắn không nên động đến mình vào lúc này, sẵn sàng rút thanh sắt, bất chấp đối đầu với Gia-ve.

Xây dựng nhân vật Giăng Van-giăng tác giả sử dụng biện pháp đối lập tương phản, giữa một bên là cái thiện – Giăng Van-giăng với một bên là cái ác – Gia-ve để làm nổi bật nhân vật trung tâm. Giăng Van-giăng là đại diện của tấm lòng nhân ái, tình yêu thương con người. Qua nhân vật này tác giả muốn khẳng định, tình yêu thương con người có thể sưởi ấm trái tim, đem lại hi vọng vào tương lai tốt đẹp cho con người. Đây cũng là giá trị nhân văn cao cả mà V.Huy-gô muốn gửi đến bạn đọc.

Đề bài: Phân tích nhân vật Giăng Van-giăng

Bài làm

Những người khốn khổ là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng được nhiều người biết đến của văn hào Pháp Vích-to-Huy-gô kể về câu chuyện của xã hội nước Pháp khoảng hơn 20 năm đầu thế kỉ XIX với những hoàn cảnh, số phận của những con người nghèo khổ, bất hạnh. Nhân vật chính của tác phẩm là Giăng Van-giăng_một con người được cảm hóa bởi tình thương và luôn tìm mọi cách để chuộc lại lỗi lầm thời trai trẻ bằng tình yêu thương mọi người xung quanh. Trong đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” là cuộc đối đầu căng thẳng giữa Giăng Van-giăng và Gia-ve_tên thanh tra mật thám. Hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng hiện lên như một đấng cứu tinh với Phăng-tin và là một địch thủ khó đối phó của Gia-ve. Nhân vật để lại cho ta bài học suy ngẫm về tình yêu thương con người.

Giăng Van-giăng là người được cảm hóa bởi tình thương và dùng tình thương để chuộc lại lỗi lầm. Ông nguyên là một người tù khổ sai vì ăn cắp một chiếc bánh mì cho bảy đứa nhỏ mà bị bắt, việc làm ấy chẳng đáng là bao, cũng vì bảy đứa nhỏ bị bỏ đói quá nên “Bần cùng sinh đạo tặc” nhưng ông đã bị kết án, tù đày khổ cực. Sau khi ra tù, ông bị mọi người xua đuổi chỉ riêng vị giám mục Ma-ri-en đã cảm hóa ông bằng tình thương và ông coi đó là lẽ sống. Kể từ đó Giăng Van-giăng thay tên đổi họ, sống một cuộc đời tử tế làm thị trưởng và chủ nhà máy giàu có. Ông giúp đỡ mọi người xung quanh đặc biệt là Phăng-tin_người phụ nữ nghèo khổ và bất hạnh phải bán thân, bán răng, bán tóc để nuôi con.

Giăng Van-giăng được Huy-gô miêu tả như một đấng cứu thế, một vị cứu tinh của Phăng-tin. Khi thấy Gia-ve đến chị nghĩ là hắn bắt mình nên ra sức cầu cứu Ma-đơ-len (tên thay đổi của Giăng Van-giăng), ông cố gắng chấn an chị bằng lời nói nhẹ nhàng và gương mặt điềm tĩnh “Cứ yên tâm. Không phải nó đến bắt chị đâu”, ông cũng cố hạ mình với Gia-ve để hy vọng hắn không làm người phụ nữ kia phải đau khổ thêm nữa. Giăng Van-giăng cũng rất tế nhị, khéo léo khi ông biết Gia-ve đến để bắt mình nhưng thay vì nói “Tôi biết anh đến bắt tôi” bằng câu “Tôi biết là anh muốn gì rồi”, thử hỏi nếu là câu nói thẳng ra thì không biết Phăng-tin sẽ như thế nào, mọi niềm tin và hy vọng tìm lại đứa con gái sẽ bị sụp đổ hoàn toàn, căn bệnh của chị sẽ không buông tha cho sinh mệnh yếu ớt ấy. Giăng Van-giăng đã ứng xử trong tình huống khó rất thông minh và khôn khéo. Nhưng Gia-ve quyết không tha cho ông nên đã tìm mọi cách để bắt ông, khi chị thấy Gia-ve nắm lấy cổ áo ông thị trưởng chỉ biết cúi đầu “Chị tưởng như cả thế giới đang tiêu tan”. Như vậy đối với Phăng-tin, Giăng Van-giăng như là nguồn sống, nguồn ánh sáng và hy vọng để chị có thể được gặp lại cô con gái đáng thương, chỉ có ông thị trưởng mới có thể làm được điều đó nếu ông có mệnh hệ gì thì có lẽ chị cũng không thể sống được thêm nữa.

Giăng Van-giăng là con người rất giữ chữ tín. Dù biết Gia-ve đến bắt mình nhưng vì lời hứa với Phăng-tin vẫn chưa thực hiện được nên ông nhún nhường, hạ mình cầu xin Gia-ve “Tôi cầu xin ông một điều…”, “Xin ông thu cho ba ngày! Ba ngày để tìm đứa con cho người đàn bà đáng thương kia! Phải trả giá thế nào tôi cũng chịu. Nếu muốn ông cứ đi kèm tôi cũng được”. Giăng Van-giăng chấp nhận bị trả giá, chấp nhận mọi hậu quả phải gánh chịu chỉ vì ước nguyện của người phụ nữ đáng thương ấy. Chính ông đã dùng tình thương để sống một đời có nghĩa. Ở giây phút cuối trước khi Phăng-tin tắt thở theo lời kể của bà xơ Xem-pli-xơ chứng kiến không biết Giăng Van-giăng thì thầm bên tai chị điều gì để bà trông thấy “rõ ràng một nụ cười không sao tả được trên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt xa xăm, đầy ngỡ ngàng của chị khi đi vào cõi chết”. Giăng Van-giăng như là niềm hy vọng, hạnh phúc cuối cùng mà chị có thể an tâm mang theo đi vào thế giới bên kia với gương mặt “như sáng rỡ lên một cách lạ thường”. Hành động của ông dành cho chị “như một người mẹ sửa sang cho con” lấy hai tay nâng đầu Phăng-tin lên, đặt ngay ngắn dưới gối, thắt lại dây rút cổ áo chị, vén gọn mớ tóc vào trong chiếc mũ vải, rồi vuốt mắt cho chị, quỳ xuống trước bàn tay chị và đặt một nụ hôn lên đó. Từng hành động ấy thật ân cần mà có phần xót xa vô cùng. Những câu nghi vấn qua lời bình luận ngoại đề của tác giả khiến cho nhân vật Giăng Vann-giăng càng thêm phi thường và lãnh mạn. “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” có lẽ là đoạn trích tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn của Huy-gô mà cụ thể nhất là ở đoạn văn này với những lời bình của tác giả thật mơ hồ mà cũng thật sâu sắc khi kết thúc bằng gương mặt mãn nguyện của Phăng-tin khi đi vào cõi chết.

Không chỉ vậy Giăng Van-giăng cò là một người có dũng khí, một tên tội phạm nguy hiểm đối với Gia-ve. “Hắn coi Giăng Van-giăng như địch thủ bí hiểm và không sao bắt được, một đô vật lạ lùng hắn đã ôm ghì năm năm mà không sao có thể quật ngã”. Nên lần này có được cơ hội hiếm có không phải là bắt đầu mà là kết thúc tất cả. Hắn hống hách chửi bới, dọa nạt, uy hiếp, sỉ nhục Giăng Van-giăng “Tao đã bảo không có ông Ma-đơ-len, không có ông thị trưởng nào cả. Chỉ có một tên kẻ cắp, một tên kẻ cướp, một tên tù khổ sai là Giăng Van-giăng! Tao bắt được nó đây này! Chỉ có thế thôi!”. Lời xưng hô mày tao thật thô bỉ cùng với lới nói và giọng nói của hắn khiến cho Phăng-tin tắt thở Giăng Van-giăng để tay lên bàn tay Gia-ve đang túm cổ áo ông cậy ra như cậy bàn tay trẻ con. Dường như đối với ông lúc này sự hống hách, quát nạt của Gia-ve chẳng là gì cả. “Giăng Van-giăng đi tới giật gãy trong chớp mắt chiếc giường cũ nát, việc làm đó chẳng khó khăn gì đối với người cơ bắp như ông, ông cầm lăm lăm cái thanh giường trong tay và nhìn gia ve trừng trừng” khiến cho hắn phải run sợ thực sự và lui về phía cửa. Giăng Van-giăng giây phút này mới thực sự là người cầm quyền và thực hiện hành động để khôi phục uy quyền của mình nhưng cuối cùng kết thúc là câu nói “Tôi thuộc về anh” cho thấy sự chấp hành pháp luật và giữ lời với Gia-ve.

Nhân vật Giăng Van-giăng được nhà văn miêu tả bằng ngôn ngữ tinh tế để nhân vật chính được hiện lên đối lập hoàn toàn với con mãnh thú Gia-ve. Huy-gô đã đặt hai nhân vật trên cùng một phẳng nhưng hai con người ấy luôn ở thế chiến đấu đối lập nhau Giăng Van-giăng là nhân vật đại diện cho người lao động lương thiện, Gia-ve là tên thanh tra mật thám đại diện cho chính quyền, cho giai cấp thống trị độc ác chính chế độ đó đã khiến cho người nông dân nổi dậy chống lại chính quyền và Giăng Van-giăng sau khi vượt ngục cũng có tham gia. Ông cùng với quần chúng bắt được Gia-ve và nhận đem đi xử bắn, song đã lẳng lặng tha cho hắn. Tuy nhiên khi bị Gia-ve “lật thế cờ” ông chỉ xin đưa Ma-ri-uýt về nhà rồi sẽ nộp mạng. Hành động đó khiến cho Gia-ve bị mất phương hướng nên hắn đã nhảy sông Xen tự tử.

Huy-gô sử dụng nghệ thuật phóng đại, sử dụng hệ thống hình ảnh quy chiếu về ẩn dụ để miêu tả Gia-ve như một con mãnh thú còn với Giăng Van-giăng đó là những ngôn ngữ, hành động của một con người có tình thương yêu. Nhà văn đặt họ đối lập nhau để cùng làm nổi bật cho phẩm chất, bản chất của nhau.

Như vậy nhân vật Giăng Van-giăng hiện lên là một con người giàu lòng yêu thương, kiên cường anh dũng và cũng thật lãng mạn trong hành động qua ngòi bút khắc họa của nhà văn. Nhân vật đã thể hiện được tư tưởng của Huy-gô về giá trị tình người trong cuộc đời. Qua đoạn đoạn trích nhà văn gửi tới độc giả thông điêp: “Trong hoàn cảnh bất công và tuyệt vọng, con người chân chính vẫn có thể bằng ánh sáng của tình thương đẩy lùi bóng tối của cường quyền và nhen nhóm niềm tin vào tương lai”. Đoạn trích đã góp phần làm nên sự thành công của tác phẩm khi được Huy-gô viết: “Tôi có niềm tin rằng đây sẽ là một trong những tác phẩm đỉnh cao, nếu không nói là tác phẩm lớn nhất, trong sự nghiệp cầm bút của mình”.