Đề bài: Em hãy kể tóm tắt truyện Đeo nhạc cho mèo

Bài làm

Bởi mèo cứ ăn thịt chuột mãi nên chuột phải tìm cách bảo vệ giống nòi.

Cả làng chuột họp nhau lại. Ông Cống có sáng kiến đeo nhạc vào cổ mèo để mèo đi đâu cũng phát ra tiếng kêu, chuột nghe thấy biết đường mà chạy. Cả làng chuột đều cho cách đó rất hay nhưng khi cử người làm thì ai cũng chối đây đẩy. Rốt cuộc anh chuột Chù không biết chối vào đâu được đành phải nhận lời. Khi thấy chuột Chù rón rén đến, mèo nhe nanh, giơ vuốt khiến Chù vội vứt nhạc chạy về báo làng. Không ai dám bàn đến cái nhạc nữa. Bởi thế nên đến tận bây giờ, mèo vẫn cứ ăn thịt chuột.

Đề bài: Kể diễn cảm truyện Đeo nhạc cho mèo

Bài làm

Từ xửa từ xưa, mèo đã có cái thú là ăn thịt chuột. Cũng vì thế mà chuột mới đẻ ra là đã sợ mèo rồi.

Họ hàng nhà chuộc giận lắm nhưng nghĩ mãi mà không ra cách để trị mèo. Một hôm, làng chuột họp nhau lại để bàn. Thôi thì đủ mặt chuột già, chuột trẻ, chuột lớn, chuột bé … Từ ông chuột Cống rung rinh béo tốt, bệ vệ sang trọng, đến anh Chuột nhắt láu lỉnh, tinh ranh và cả anh chuột Chù chậm chạp, lù đù.

Khi mọi người đều đã có mặt, ông Cống mới lên giọng dạy rằng:

– Cái giống mèo quái quỷ kia sở dĩ nó chụp anh em mình chỉ vì trời phú cho nó cái tài rình mò và khéo bắt lén mà thôi ! Tôi đã nghĩ ra cách này tuyệt hay : Bây giờ, bà con ta nên mua một cái lục lạc, buộc vào cổ nó. Như thế thì nó đi đến đâu, tiếng nhạc vang lên đến đấy, chúng ta biết đường mà ẩn náu cho kĩ. Đố nó còn làm gì nổi ta nữa ! Tôi nói có phải không nào ?

Nghe ông Cống nói xong, tưởng tượng ra cái vẻ mặt tiu nghỉu, thất vọng của mèo, cả làng chuột thích thú dẩu mõm, quật đuôi lấy làm bái phục cái mưu kế chí lí ấy và đồng thanh ưng thuận. Ông Cống sướng phổng cả mũi !

Mấy ngày sau, lục lạc đã kiếm được, làng chuột lại họp để cử người đi đeo nhạc cho mèo. Trước khi vào cuộc họp, ai nấy hớn hở, lao xao, bảo nhau là sắp thoát ách của lão Miu tai ác rồi.

Nhưng đến khi mấy vị trong hội đồng chuột hỏi rằng ai dám đem lục lạc đeo vào cổ mèo thì lạ thay, tất cả im phăng phắc. Chẳng có một cái tai nào nhúc nhích, một cái răng nào nhe ra cả.

Không khí cuộc họp thật là căng thẳng, ngột ngạt.

Biết cử ai làm cái việc “đại sự” ấy bây giờ ? Khó quá ! Bất đắc dĩ, làng chuột đành cắt ông Cống phải đi, vì chính ông ta đã xướng lên cái việc đeo nhạc cơ mà !

Ấy mới khốn cho chuột Cống ! Cống ta trong lòng tuy nao núng, lo sợ nhưng ngoài mặt vẫn làm ra bộ bệ vệ, kẻ cả, nói rằng:

– Tôi đây, chẳng gì nhờ phúc ấm của tổ tiên để lại, cũng được xếp vào bậc ông Cống, ông Nghè, ăn trên ngồi trước trong làng, có lẽ nào làng lại cắt tôi đi làm cái việc tầm thường ấy được ? Trong họ ta nào có thiếu chi người tài giỏi. Tôi xin cử anh Nhắt. Anh ấy nhanh nhảu, thông minh, chắc là được việc.

Tưởng là kế hay, nhưng Nhắt vốn tinh ranh, láu lỉnh nên cãi lí rằng:

– Nếu làng cắt tôi đi, tôi cũng xin vâng, chẳng dám chối từ. Tôi tuy bé nhưng ngẫm ra vẫn còn được ở chiếu trên, không đến nỗi nào. Ông Cống kông đi là phải ; nhưng tôi đây không đi, cũng phải. Tôi xin tiến cử với làng anh Chù. Anh ấy tuy chậm chạp nhưng chắc chắn, cẩn thận, làng không lo hỏng việc.

Thật là tội nghiệp ! Chù ta vốn thật thà, chất phác, không biết cãi làm sao bèn ụt ịt nói rằng:

– Tôi là đầy tớ của làng, làng cắt tôi đi là phải làm. Tôi chỉ sợ rằng nếu đến gần mèo mà mèo ăn thịt tôi thì lấy ai thay tôi mà buộc nhạc được nữa ? Lấy ai thay tôi hầu hạ cho làng ?

Chuột Chù chưa dứt lời thì ông Cống đã nhanh miệng bảo:

– Gớm ! Mày cứ lo xa ! Mèo có vờn là vờn chúng tao với anh Nhắt kia kìa. Chứ chú mày hôi như cú thế thì nó bắt mà thèm vào ! Thôi, cứ nhận ngay đi, không lôi thôi gì nữa !

Chuột Chù tức lắm nhưng cũng đành phải nhận. Chú ì ạch vác cái lục lạc ra đi tìm mèo. Được một đoạn đường, chưa thấy mèo đâu, mới nghe thấy tiếng meo meo, Chù đã run lẩy bẩy, bốn chân cứ nhũn cả ra, không dám tiến. Nhưng nghĩ đến lệ làng, chú thở dài, đánh bạo tiến lại gần thì quả nhiên, mèo không thèm vồ chú thật. Song mèo vẫn ra oai, nhe nanh, giương vuốt, làm cho Chù cắm đầu cắm cổ, vác cái thân ì ạch chạy khốn chạy khổ về báo cho làng hay. Cả làng nháo nhác, hoảng hồn, bỏ chạy tán loạn, chẳng ai để ý đến cái lục lạc nó lăn đi đâu và lăn tự bao giờ không biết.

Thế là tan cái mộng đeo nhạc cho mèo. Rốt cuộc, họ nhà chuột vẫn sợ mèo cho tới bây giờ.