Đề bài: Phân tích hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Bài làm

Quang Dũng một gương mặt tiêu biểu của thơ ca kháng chiến Việt Nam. Tác phẩm ông để lại không nhiều, nhưng gây ấn tượng sâu sắc, đậm nét trong lòng bạn đọc, đặc biết là tác phẩm Tây Tiến. Người đọc ngoài ấn tượng về khung cảnh núi non hùng vĩ, vừa mơ mộng của nơi núi rừng còn ấn tượng bởi hình tượng người lính kiên cường, anh dũng, lí tưởng sống cao đẹp, sẵn sáng hi sinh cho đất nước. Hình tượng người lính trong tác phẩm Tây Tiến mang một vẻ đẹp rất riêng, rất lạ, đặc trưng cho phong cách thơ Quang Dũng.

Tây Tiến được sáng tác năm 1948, tại Phù Lư Chanh, sau khi nhà thơ dời binh đoàn Tây Tiến để nhận nhiệm vụ khác. Chính hoàn cảnh sáng tác này đã cho thấy toàn bộ tác phẩm thấm đẫm trong nõi nhớ vừa tha thiết vừa thiêng liêng, khắc khoải.

Trong phần một và hai của bài thơ, nổi bật hơn cả là bức tranh thiên nhiên và con người nơi rừng núi khi binh đoàn Tây Tiến đi qua, hình ảnh người lính Tây Tiến chỉ xuất hiện một cách gián tiếp, nhưng cũng đã phần nào cho người đọc hình dung về hình ảnh của họ. Sang đến phần thứ ba nhà thơ mới tập trung tất cả tình cảm cũng như tài năng của mình để tạc vào văn học Việt Nam bức tranh chân dung sừng sững về người lính Tây Tiến. Người lính được khai thác toàn diện từ ngoại hình cho đến tâm hồn, lí tưởng, từ cuộc sống chiến đấu đến sự hi sinh.

Trước hết về ngoại hình, Quang Dũng đã đưa vào hình ảnh giàu chất hiện thực:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến hiện lên vô cùng chân thực: không mọc tóc, quân xanh màu lá. Những hình ảnh này đã xé bỏ tất cả cái nhìn ảo tưởng, tô vẽ về cuộc sống cũng như sinh hoạt của người lính. Để đưa người đọc đến hiện thực trần trụi, gai góc khi do sự thiếu thốn về vật chất cũng nhưng sự hành hạ của bênh sốt rét rừng, hình ảnh những người lính Tây Tiến đã bị biến dạng. Họ hiện lên với chân dung hết sức kì lạ: tóc rụng, da xanh như mùa lá. Hiện thực này cũng đã được các thơ khác đề cập đến như:

Cuộc đời gió bụi pha sương máu

Đói rét bao lần xé thịt da

Khuôn mặt đã lên màu bệnh tật

Đâu còn tươi nữa những ngày hoa

Tuy nhiên đích đến của Quang Dũng không phải là hiện thực trần trụi đó, mà từ hiện thực ấy nhấn mạnh vào ý chí, nghị lực phi thường của người lính. Bởi vậy, nó đối lập với khó khăn, khắc nghiệt là hình ảnh người lính hết sức oai phong. Dù nước da có xanh xao nhưng ở đó vẫn hiện lên thần thái “dữ oai hùm”. Tạo nên hơi thơ gân guốc, rắn rỏi cũng như bản lĩnh ngang tàng, sẵn sàng vượt lên khó khăn của người chiến sĩ.

Quang Dũng tiếp tục đi sâu khai thác khía cạnh thứ hai tưởng như rất đối lập nhưng kì thực lại rất thống nhất trong tâm hồn người lính Tây Tiến, đó chính là tâm hồn lãng mạn, hào hoa:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Hình ảnh “mắt trừng” diễn tả chính xác cái nhìn căm hờn, dữ dội mà người lính dành cho kẻ thù. Ở đó ánh lên lòng căm thù giặc sâu sắc và khát vọng giết giặc lập công, bảo vệ quê hương. Giấc mộng của người lính là phương diện dễ nhận thấy nhất ở bất cứ người chiến sĩ nào trong thời đại kháng chiến. Nhưng sự tinh tế, nhạy cảm của tác giả ở chỗ ông nhìn sâu vào những góc khuất trong tâm hồn người lính. Hình ảnh “dáng kiều thơm” chính là dáng người thướt tha, mền mại của những cô gái Hà Thành, đồng thời cũng gợi đến hương hoa sữa nồng nàn đặc trưng của Hà Nội. Chính giấc mộng đó là động lực để họ có thể sống, chiến đấu một cách anh dũng.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Tiếp tục sử dụng bút pháp nhất quán từ đầu tác phẩm, đến đây Quang Dũng lại đưa thêm hình ảnh đậm chất hiện thực. Không gian xa xôi, biên viễn với những nấm mồ rải rác tạo nên cảm giac xót xa, tang tóc, thê lương. Nhưng chất hiện thực lại không rơi vào sự bi lụy, bởi ngay sau đó tác giả đã viết câu thơ khẳng định lí tưởng của người lính Tây Tiến để cho cảm hứng của cái bi lụy trở thành bi tráng. Người lính Tây Tiến ý thức rất rõ về quãng đời “xanh” – tuổi trẻ, mơ ước, khát vọng, đồng thời họ cũng ý thức ra chiến trường chấp nhận sự mất mát, hi sinh. Nhưng cách ứng xử của người lính với cái chết không phải là sự run rẩy sợ hãi, mà là sự lựa chọn dứt khoát, chủ động. Hai chử “chẳng tiếc” cùng với cấu trúc câu chủ động đã cho thấy rất rõ điều đó. Nhà thơ Quang Dũng để người lính vào thử thách khắc nghiệt nhất, lựa chọn giữa sống vào chết từ đó làm bật lên lí tưởng sống cao đẹp của họ. Lí tưởng sống cao đẹp đó không chỉ của riêng binh đoàn Tây Tiến mà còn là của tất cả những người lính: “Chúng tôi đã đi không tiếc đới mình/ Nhưng tuổi hai mười làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc thì còn chi tổ quốc/ Việt Nam ơi! Chỉ duy nhất cho Người/ Chúng tôi xin chết”.

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Câu thơ đầu tiếp tục là nét chạm khắc vô cùng chân thực về hiện thực thiếu thốn không chỉ đồng hành với người lính trong suốt quá trình chiến đấy mà còn theo họ đến tận lúc hi sinh. Bởi vậy, ngay cả nghi thức cử hành tang lễ sơ sài nhất cũng không có, họ phải lấy manh chiếu bọc lấy thân. Bằng tất cả sự yêu thương, trân trọng, Quang Dũng đã nâng cái chết có phần xót xa trở thành cái chết vô cùng trang trọng, khi khoác lên mình đồng đội chiếc áo bào – trang trọng, uy nghi. Hai chữ “về đất” là cách nói giảm, nói tránh để bớt đi sự buồn thương, mất mát đồng thời tạo ra tâm thế rất nhẹ nhàng, thanh thản của người lính trước khi mất. Ở đây chết không phải là sự hi sinh mà là sự trở về với đất mẹ. Và để tiễn đưa người lính về với đất mẹ, sông Mã đã gầm lên khúc độc hành dữ dội, hùng tráng để đưa những con người trở về với cõi bất tử.

Bằng sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn, ngôn từ tinh tế, sắc sảo Quang Dũng đã thành công khi dựng lên chân dung người lính Tây Tiến. Người lính Tây Tiến vừa mang trong mình ý chí, nghị lực kiên cường như bao chiến sĩ khác, vừa mang chiều sâu tâm hồn tài hoa lãng mạn, một nét vẽ rất riêng. Hình tượng người lính Tây Tiến chính là linh hồn cho toàn bộ bài thơ, nó đi vào văn học Việt Nam nhưng một trong những hình tượng tinh tế nhất về đề tài người lính.