Soạn bài: Vợ Nhặt (Kim Lân)

Câu 1: Bố cục: 4 phần

– Phần 1 (từ đầu đến tự đắc với mình) : Tràng đưa người vợ nhặt về nhà.

– Phần 2 (tiếp đến đẩy xe bò về): kể lại chuyện hai người gặp nhau và nên vợ nên chồng.

– Phần 3 (tiếp đến nước mắt chảy ròng ròng): Tình thương của người mẹ nghèo khó.

– Phần 4 (phần còn lại): niềm tin vào tương lai tươi sáng.

Mạch truyện sẽ được dẫn dắt hợp lý. Có thể nói tất cả các cảnh huống được thể hiện trong truyện đều khởi đầu từ việc anh Tràng nhặt được vợ giữa những ngày đói khủng khiếp ấy.

Thế nhưng tác phẩm lại được mở ra từ cảnh Tràng đưa “vợ nhặt” về nhà gặp mẹ. Nếu tác giả đưa đoạn thứ hai lên trước theo trình tự thời gian thì truyện sẽ kém phần hấp dẫn hơn.

Câu 2: Tình huống truyện

– Tình huống truyện được gói gọn trong nhan đề của tác phẩm: Vợ nhặt. Ấy là việc Tràng – một thanh niên nông dân nghèo, xấu xí, ế vợ bỗng nhiên nhặt được vợ dễ dàng trong nạn đói. Vợ là lại đi nhặt như đồ dùng là điều lạ lùng chưa từng thấy.

– Trong cảnh đói kém, cái chết cận kề mà còn nghĩ đến chuyện lấy vợ, còn vui vẻ lo xây đắp tổ ấm gia đình là chuyện lạ thứ hai. Nhưng cũng chính nhờ cái lạ, cái độc đáo đó mới tạo ra sự hấp dẫn của truyện.

=> Tình huống truyện đã cho thấy thân phận buồn tụi của người lao động nghèo và bộc lộ tấm lòng người nông dân trong cảnh đời cơ hàn đói khát: giàu tình nghĩa và luôn khát khao hạnh phúc, mái ấm gia đình.

Câu 3:

Nhan đề “Vợ nhặt” thâu tóm giá trị nội dung tư tưởng tác phẩm “Nhặt” đi với những thứ không ra gì. Thân phận con người bị rẻ rúng như cái rơm, cái rác, có thể “nhặt” ở bất kì đâu, bất kì lúc nào. Người ta hỏi vợ, cưới vợ, còn ở đây Tràng “nhặt” vợ. Đó thực chất là sự khốn cùng của hoàn cảnh.

Câu 4:

Khi thể hiện niềm khao khát tổ ấm gia đình của nhân vật Tràng lúc quyết định lấy vợ, khi dẫn vợ về qua xóm ngụ cơ và nhất là trong buổi sáng đầu tiên khi có vợ, Kim Lân đã có những phát hiện tinh tế và sâu sắc:

– Lúc quyết định lấy vợ: Thoạt đầu Tràng có chút phân vân, do dự: Mới đầu anh chàng cũng chọn, nghĩ thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Nhưng rồi sau đó anh chàng đã tặc lưỡi “Chậc, kệ”. Điều này đúng như ý đồ của tác giả: Khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng vào tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người (nhà văn Kim Lân nói về truyện Vợ nhặt).

– Khi dẫn vợ về qua xóm ngụ cư. Phút này, Tràng như đã thành một con người khác, phớn phở lạ thường, môi cười tùm tỉm, mắt sáng hẳn lên, mặt vênh vênh tự đắc, nhưng cũng có lúc cứ “lúng ta lúng túng” đi bên vợ. Nhưng chủ yếu vẫn xúc cảm giác mới mẻ khác lạ mơn man như một bàn tay vuốt nhẹ.

– Buổi sáng đầu tiên khi có vợ Tràng cảm thấy êm ả, lửng lơ, như người vừa trong giấc mơ đi ra xung quanh mình có cái gì thay đổi mới mẻ khác lạ. Từ cảm giác sung sướng hạnh phúc Tràng ý thức trách nhiệm, bổn phận của mình “bỗng nhiên hắn thấy thương yêu gắn bó với căn nhà của hắn lạ lùng”. Một nguồn vui sướng phấn trấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ cho con sau này.

Câu 5: Bà cụ Tứ

– Tâm trạng: mừng, vui, xót, tủi “vừa ai oán vừa xót thương cho số phận đứa con mình”. Đối với người đàn bà thì “lòng bà đầy xót thương” nén vào lòng tất cả bà dang tay đón người đàn bà xa lạ làm con dâu mình: “Ừ, thôi thì các con cũng phải duyên phải số với nhau, u cũng mừng lòng”.

– Bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới, bà cụ Tứ đã nhen nhóm cho các con niềm tin, niềm hy vọng: “Tao tính khi nào có tiền mua lấy con gà về nuôi, chả mấy mà có đàn gà cho xem”.

=> Bà cụ Tứ là hiện thân của nỗi khổ con người: Người mẹ ấy đã nhìn cuộc hôn nhân éo le của con thông qua toàn bộ nỗi đau khổ của cuộc đời bà. Bà lo lắng trước thực tế quá nghiệt ngã. Bà mừng một nỗi mừng sâu xa. Từ ngạc nhiên đến xót thương, nhưng trên hết vẫn là tình yêu thương. Cũng chính bà cụ là người nói nhiều nhất về tương lai, một tương lai rất cụ thể thiết thực với những gà, lợn, ruộng, vườn, … một tương lai khiến các con tin tưởng bởi nó không quá xa vời. Kim Lân đã khám phá ra một nét độc đáo khi để cho một bà cụ cập kề miệng lỗ nói nhiều với đôi trẻ về ngày mai.

Câu 6: Đặc sắc nghệ thuật của truyện

– Nghệ thuật tạo hình huống độc đáo.

– Cách sử dụng ngôn ngữ bình dân tinh tế và có duyên.

– Nghệ thuật tả tâm lí đặc sắc.