Soạn bài: Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành)

Bố cục: gồm 3 phần

– Đoạn đầu: Hình ảnh rừng xà nu

– Phần chữ nhỏ: Câu chuyện Tnú sau ba năm đi lực lượng về thăm làng.

– Còn lại: Câu chuyện về cuộc đời bi tráng của Tnú và câu chuyện chiến đấu của dân làng Xô Man được cụ Mết kể lại.

Câu 1: Ý nghĩa truyện qua:

– Nhan đề tác phẩm:

+ Rừng xà nu: ẩn chứa khí vị, Tây Nguyên, gợi nên vẻ đẹp hùng tráng, sức sống bất diệt … => Rừng xà nu mang nhiều tầng ý nghĩa bao gồm cả thực lẫn tượng trưng => chứa đựng cảm xúc nhà văn và linh hồn tác giả.

– Cảnh rừng xà nu dưới tầm đại bác: hứng chịu mọi sự hủy diệt của đạt bác Mĩ, đầy thương tích, chết choc nhưng vẫn giàu sức sống, vươn lên => biểu tượng cho cuộc sống và phẩm chất cao đẹp của dân làng Xô Man.

– Rừng xà nu, đồi xà nu trải dài … => sự tiếp nối, bền vững, trường tồn, không gì hủy diệt được => tượng trưng cho sức sống của đất nước và nhân dân mãi trường tồn.

Câu 2:

a. Người anh hùng mà cụ Mết kể chính là Tnú. Phẩm chất, tình cách của người anh hùng Tnú:

– Gan góc, táo bạo, dũng cảm, trung thực (khi còn nhỏ cùng Mai vào rừng tiếp tế cho anh Quyết).

– Lòng trung thành với cách mạng được bộc lộ qua thử thách (bị giặc bắt, tra tấn, lưng Tnú ngang dọc vết dao chém của kẻ thù nhưng anh vẫn gan góc).

– Số phận đau thương: không cứu được vợ con, bản thân bị bắt, bị tra tấn (bị đối mười đầu ngón tay)

– Quật khởi đứng dậy cầm vũ khí tiêu diệt bọn ác ôn.

– Tnú may mắn hơn so với thế hệ đàn anh của mình như anh hùng Núp và A Phủ:

+ Không phải sống kiếp tội đòi cam phận, cam chịu.

+ Được thừa hưởng phong trào cách mạng từ cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc.

+ Được giác ngộ lí tưởng cách mạng ngay từ tuổi nhỏ.

b. Câu chuyện bi tráng về cuộc đời Tnú: “Tnú không cứu được vợ con”. Cụ Mết nhắc tới bốn lần để nhấn mạnh: khi chưa cầm vũ khí, Tnú chỉ có hai bàn tay không thì ngay cả những người thương yêu nhất Tnú cũng không cứu được. Câu nói của cụ Mết muốn khẳng định: chỉ có cầm vũ khí đứng lên mới là con đường sống duy nhất, mới bảo vệ được những gì thân yêu, thiêng liêng nhất; chân lí cách mạng đúc rút từ chính thực tế máu xương, tính mạng của dân tộc, những con người thương yêu nên chân lí ấy phải ghi tạc vào xương cốt, tâm khảm và truyền lại cho thế hệ tiếp nối.

c. Câu chuyện Tnú với dân làng Xô Man nói lên chân lí lớn của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Phải chống lại mọi kẻ thù xâm lược, kể cả phải cầm vũ khí và hi sinh tính mạng.

d. Vai trò của các nhân vật:

– Cụ Mết, Mai, Dít, bé Heng là sự tiếp nối các thế hệ làm nổi bật tinh thần bất khuất của làng Xô Man nói riêng, của Tây Nguyên nói chung.

– Mai, Dít là thế hệ hiện tại, trong Dít có Mai của thời trước và có Dít của hôm nay. Vẻ đẹp của Dít là vẻ đẹp của sự kiên định, vững vàng trong bão táp chiến tranh.

– Bé Heng là thế hệ tiếp nối, kế tục cha anh để đưa cuộc chiến tới thắng lợi cuối cùng.

Dường như cuộc chiến khốc liệt này đòi hỏi mỗi người Việt Nam phải có sức trỗi dậy của một Phù Đổng Thiên Vương.

Câu 3:

Hình ảnh cánh rừng xa nu và hình tượng nhân vật Tnú gắn kết khăng khít với nhau. Nhà văn muốn dùng rừng xà nu làm biểu tượng cho tinh thần gan góc, dũng cảm, dạn dày, bất khuất, trung kiên … của nhân vật Tnú và dân làng Xô Man.

Câu 4: Nghệ thuật

– Đặc sắc, đậm đà chất sử thi hùng tráng. Chất sử thi toát lên qua đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, hình ảnh thiên nhiên, các chi tiết nghệ thuật, giọng điệu, ngôn ngữ của tác phẩm:

– Đề tài có ý nghĩa lịch sử: sự vùng dậy của dân làng Xô man chống Mỹ Diệm.

– Bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, hoành tráng. Rừng xà nu làm nền cho bức tranh về cuộc đấu tranh chống giặc (Cả rừng … ào ào rung động, lửa cháy khắp rừng).

– Các nhân vật tiêu biểu được miêu tả trong bối cảnh trang nghiêm, hùng vĩ, vừa mang phong cách Tây Nguyên vừa mang phẩm chất của anh hùng thời đại.

– Kết cấu vòng tròn: Mở đầu, kết thúc là hình ảnh của rừng xà nu, cùng với sự trở về của Tnú sau ba năm xa cách.

– Cách trần thuật: Chuyện về sự nổi dậy của dân làng và cuộc đời Tnú được kể lại trong một đêm anh về thăm làng, qua lời cụ Mết, bên bếp lửa bập bùng – Giọng kể trang trọng như truyền cho thế hệ con cháu những trang sử bi thương và anh hùng của cộng đồng. Chuyện về thời hiện tại được kể bằng giọng điệu và ngôn ngữ sử thi.