Bài 28: Loài

Bài 1 (trang 125 SGK Sinh học 12): Thế nào là loài sinh học?

Lời giải:

Loài là một hoặc một nhóm quần thể gồm các cá thể có khả năng giao phối với nhau trong tự nhiên sinh ra đời con có sức sống và có khả năng sinh sản, cách li sinh sản với các nhóm quần thể khác. Đó là một tiêu chuẩn để xác định hai quần thể cùng loài (hoặc khác loài).

Bài 2 (trang 125 SGK Sinh học 12): Nếu chỉ dựa vào các đặc điểm hình thái để phân loại các loài thì có chính xác không? Giải thích.

Lời giải:

Nếu chỉ dựa vào các đặc điểm hình thái để phân loại các loài thì không chính xác vì nhiều khi các cá thể của hai quần thể có các đặc điểm hình thái giống nhau (loài đồng hình), sống trong một khu vực địa lí, nhưng không giao phối với nhau hoặc có giao phối nhưng lại sinh ra đời con bất thụ thì hai quần thể đó thuộc hai loài. Như vậy, người ta phân biệt 2 quần thể nhờ tiêu chuẩn cách li sinh sản là chính xác nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế việc sử dụng tiêu chuẩn cách li sinh sản cũng rất khó khan do khó nhận biết 2 quần thể đó có thực sự cách li sinh sản hay không và cách li ở mức độ nào. Do đó, để phân biệt loại này với loài kia, người ta có thể kết hợp sử dụng các tiêu chuẩn về hình thái, hoá sinh, phân tử…

Bài 3 (trang 125 SGK Sinh học 12): Các nhà khoa học thường dùng tiêu chuẩn nào để phân biệt loài vi khuẩn này với loài vi khuẩn khác? Giải thích.

Lời giải:

Người ta thường dùng các tiêu chuẩn hoá sinh, hình thái khuẩn lạc để phân biệt các loài vi khuẩn, vì các loài vi khuẩn không sinh sản bằng hình thức sinh sản hữu tính nên không thể dùng tiêu chuẩn cách li sinh sản để phân biệt loài.

Bài 4 (trang 125 SGK Sinh học 12): Trình bày các cơ chế cách li và vai trò của chúng trong quá trình tiến hoá.

Lời giải:

– Cơ chế có vai trò quan trọng nhất đối với sự tiến hoá là cách li sinh sản.

Các cơ chế cách li sinh sản là các trở ngại sinh học ngăn cản các sinh vật giao phối với nhau hoặc ngăn cản việc tạo ra con lai hữu thụ ngay cả khi các sinh vật này sống cùng một chỗ. Có 2 cơ chế cách li sinh sản: cách li trước hợp tử và cách li sau hợp tử.

* Cách li trước hợp tử

Là những trở ngại ngăn cản các sinh vật giao phối với nhau. Thực chất là cơ chế ngăn cản sự thụ tinh tạo ra hợp tử. Thuộc loại này có các loại:

– Cách li nơi ở (sinh cảnh): Mặc dù sống trong cùng một khu vực địa lí nhưng những cá thể của các loài có họ hàng gần gũi và sống ở những sinh cảnh khác nhau nên không thể giao phối với nhau.

– Cách li tập tính: Các cá thể của loài khác nhau có thể có những tập tính giao phối riêng nên giữa chúng thường không giao phối với nhau.

– Cách li thời gian (mùa vụ): các cá thể thuộc các loài khác nhau có thể sinh sản vào những mùa khác nhau nên chúng không có điều kiện giao phối với nhau.

– Cách li cơ học: Các cá thể thuộc các loài khác nhau có thể có cấu tạo các cơ quan sinh sản khác nhau nên chúng không thể giao phối với nhau.

* Cách li sau hợp tử:

Là những trở ngại ngăn cản việc tạo ra con lai hoặc ngăn cản việc tạo ra con lại hữu thụ.

– Vai trò:

Cơ chế cách li sinh sản có vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa vì chúng ngăn cản các loài trao đổi vốn gen cho nhau, do vậy mỗi loài duy trì được những đặc trưng riêng.

Bài 5 (trang 125 SGK Sinh học 12): Hãy chọn phương án trả lời đúng nhất.

Khi nào thì ta có thể kết luận chính xác hai cá thể sinh vật nào đó thuộc hai loài khác nhau?

a) Hai cá thể đó sống trong cùng một sinh cảnh.

b) Hai các thể đó có nhiều đặc điểm hình thái giống nhau.

c) Hai các thể đó có nhiều đặc điểm hình thái và sinh hoá giống nhau.

d) Hai cá thể đó không giao phối với nhau.

Lời giải:

Đáp án: d.