Soạn bài: Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi)

Phần 1: Tác giả

Câu 1: Nguyễn Trãi là nhân vật lịch sử vĩ đại vì những đóng góp to lớn sau:

– Vào cuối thế kỉ XIV, đất nước ta lâm vào tình trạng hết sức rối ren, nhà Hồ lật đổ nhà Trần, quân Minh xâm lược nước ta. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra – là biểu tượng của phong trào đấu tranh của dân tộc.Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những ngày đầu tiên, là vị quân sư số 1, giúp Lê Lợi vạch chiến lược tiêu diệt kẻ thù xâm lược, giữ trọng trách về ngoại giao, chính trị.

– Cùng Lê Lợi chỉ huy và đốc chiến nhiều trận chiến quan trọng: trận Chi Lăng – Xương Giang …

– Đất nước hòa bình: đi đầu trong công cuộc tái thiết nước nhà, một mực trung hiếu cho đến khi phải chịu oan án. Tư tưởng chính trị mà ông suốt đời phấn đấu và phụng sự hết mình là tư tưởng nhân nghĩa mà cái nền tảng chính là tình yêu nước và lòng thương dân.

Câu 2:

– Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Trãi: Côn Sơn ca, Bạch Đằng hải khẩu, Đại cáo Bình Ngô, Cảnh ngày hè, Cây chuối, Dục Thúy Sơn, Tùng, Thư lại dụ Vương Thông, … .

– Giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu:

+ Côn sơn ca: là khúc ca về bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, cảnh trí Côn Sơn với tác giả như là người bạn tâm giao. Âm điệu khỏe khoắn, thảnh thơi, song cơ bản, âm hưởng chủ đạo vẫn là tiếng thở dài bi thiết về kiếp nhân sinh.

+ Cây chuối: thể hiện cốt cách đa tình của người thi sĩ. Nó là một thứ tình yêu nhưng tình yêu cấy chẳng qua chỉ là một chút hương xuân, hương lòng thầm kín mà thôi.

+ Cảnh ngày hè: Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên và yêu đất nước, lòng thương dân của Nguyễn Trãi …

+ …

Câu 3: Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi, có thể tham khảo hai đoạn sau:

– Về hai câu cuối bài Cuối xuân tức sự:

Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn
Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan

“Lắng nghe thời gian đang mải miết trôi đi không cách gì cầm giữ được thì còn bồn chồn khắc khoải nào hơn là qua tiếng cuốc. Cứ đều đều, đơn điệu như không có gì đáng chú ý, ấy thế mà nó cứ chậm rãi cướp đi cái phần đẹp nhất của một năm, cái sự khởi đầu của tuổi trẻ. Còn gì đáng tiếc hơn khi “lực bất tòng tâm”, phần chủ thể không kìm giữ được cái khách thể cứ vận động khách quan ngoài ý muốn con người. Tiếc xuân, tiếc đời, tuổi xuân đi để chỉ còn là một hoài niệm, tâm trạng của Nguyễn Trãi là tâm trạng rất con người, rất nhân văn mà con người ai chẳng thấy mình dù một lần trong đó”.

(Lê Bảo, Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường – Nguyễn Trãi, NXB Giáo dục, 1999)

– Hai câu cuối bài “Cảnh ngày hè”:

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương

Tuy tác giả đón nhận cảnh ngày hè với tư thế ung dung trong một ngày nhàn rỗi nhưng ông vẫn luôn suy nghĩ, lo lắng cho nhân dân, cho đất nước. Cảm nhận cảnh ngày hè nhưng tác giả vẫn quan tâm tới cuộc sống của nhân dân. Thế nên ông nghe thấy âm thanh tấp nập, lao xao của làng chài. Ông quan tâm tới nhân dân, lo cho dân cho nước. Chính vì vậy, ông ước mong mình có cây đàn của vua Ngu Thuấn. Với cây đàn đó, Nguyễn Trãi có thể mang tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và đất nước.

Câu 4:

– Nội dung văn chương: Hội tụ 2 nguồn cảm hứng lớn yêu nước – nhân đạo.

– Nghệ thuật: ông là nhà văn chính luận kiệt xuất, nhà thơ khai sáng văn học tiếng việt, với sáng tác bằng chữ Nôm góp phần làm cho tiếng việt trở thành ngôn ngữ dân tộc giàu và đẹp.