Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 12 – Cánh diều

Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 12 – Cánh diều

1. Truyện truyền kì

Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 12 - Cánh diều

Truyện truyền kì là một dạng văn học tự sự phổ biến trong thời kì trung đại, vốn bắt nguồn từ văn học Trung Quốc. Dù được ghi chép bằng văn xuôi, loại hình truyện này lại lấy cảm hứng sâu sắc từ những truyền thống tự sự dân gian.

Trong truyện truyền kì, mô típ về người hóa thần, người chết sống lại thường xuất hiện, thể hiện mối liên kết giữa con người với thần linh, giữa cõi sống và cõi chết, làm cho truyện có chiều sâu tâm linh và ý nghĩa triết lý sâu sắc.

Các tác giả của truyện truyền kì thường kể lại những sự kiện xảy ra trong quá khứ, sử dụng cụm từ “xưa” để chỉ thời điểm xảy ra sự kiện nhưng thực chất là phản ánh và bình luận về thời “nay”. Điều này không chỉ giúp gián tiếp đề cập đến các vấn đề xã hội hiện tại mà còn giúp bảo vệ tác giả khỏi những rắc rối có thể xảy ra do chỉ trích trực tiếp.

Sự kết hợp của yếu tố kì ảo trong các câu chuyện không chỉ làm tăng sự hấp dẫn, lôi cuốn cho tác phẩm mà còn cho phép tác giả bộc lộ quan điểm cá nhân một cách kín đáo, thông qua các sự kiện và nhân vật không thực. Những yếu tố này tiếp tục được các nhà văn ở các thời kì sau này sử dụng như một phương tiện biểu đạt tư tưởng hoặc để khắc họa các chủ đề nhất định trong tác phẩm của họ.

2. Mối quan hệ giữa truyện truyền kì với truyện cổ dân gian

– Truyện truyền kì và truyện cổ dân gian cùng có chung mô hình về thế giới: sự song song tồn tại có tác động qua lại của thế giới người (cõi trần) và thần tiên, ma quỷ (thiên đình, cõi âm).

– Khác với truyện cổ dân gian, truyện truyền kì là thể loại văn học viết, nơi mà vai trò của cá tính sáng tạo đã hiện diện. Các tác giả truyện truyền kì tiếp thu những mô típ kì ảo của truyện cổ dân gian và cải biến sáng tạo những mô típ này để gửi gắm những tâm sự, những cách nhìn độc đáo về đời sống.

3. Giá trị nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ của văn học

– Qua quá trình tiếp nhận tác phẩm, văn học giúp người đọc hiểu về đời sống hiện thực khách quan, hiểu người khác và hiểu chính mình, góp phần hình thành hoặc làm biến đổi một cách tự nhiên hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức người đọc.

– Qua quá trình tiếp xúc của người đọc với thế giới hình tượng, tác phẩm văn học đem lại khoái cảm về cái đẹp (giá trị thẩm mĩ).

4. Ngôn ngữ trang trọng và ngôn ngữ thân mật

Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 12 - Cánh diều

– Ngôn ngữ trang trọng :

+ Là kiểu ngôn ngữ thường được sử dụng trong các giao tiếp liên quan đến công việc chung như thuyết trình, giảng dạy, trao đổi ý kiến trong cuộc họp, hoặc viết báo cáo, đơn từ, làm bài, viết bài nghiên cứu,…

+ Từ ngữ và kiểu câu trong ngôn ngữ trang trọng phải bảo đảm chuẩn mực về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và phong cách. Ưu tiên sử dụng từ ngữ toàn dân không sử dụng tiếng lóng, từ thông tục; ít sử dụng câu đặc biệt, câu rút gọn….

– Ngôn ngữ thân mật :

+ Là kiểu ngôn ngữ thường được sử dụng trong phạm vi các giao tiếp hằng ngày như trò chuyện với bạn bè, người thân hoặc viết tin nhắn, viết thư cho bạn bè,…

+ Thường sử dụng các từ ngữ có sắc thái gần gũi, dân dã, phù hợp với mối quan hệ giữa các đối tượng giao tiếp. Kiểu câu trong ngôn ngữ thân mật cũng đa dạng, bao gồm cả câu đặc biệt, câu rút gọn,….

– Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, chúng ta có thể kết hợp ngôn ngữ trang trọng và ngôn ngữ thân mật. Ngôn ngữ trang trọng đảm bảo tính lịch sự, quy thức của cuộc giao tiếp; còn ngôn ngữ thân mật lại gia tăng yếu tố tình cảm, xoá bỏ hoặc thu gọn khoảng cách giữa các đối tượng giao tiếp.