Đề bài: Phân tích nhân vật Ra-ma và Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội

Bài làm

Tác phẩm Ra-ma-ya-na có ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Đây là một trong những bộ sử thi vĩ đại nhất của Ấn Độ nói riêng và của thế giới nói chung. Đoạn trích Ra-ma buộc tội nằm ở khúc ca thứ 6 chương 79 với tình huống truyện hết sức đặc sắc qua đó thể hiện được những phẩm chất, tính cách của hai nhân vật chính là Ra-ma và Xi-ta.

Ra-ma hiện lên là một người anh hùng, kiên cường, dũng cảm đã đánh bại quỷ vương để cứu người vợ thân yêu của mình trở về. Trong đoạn trích, Ra-ma còn hiện lên với những phẩm chất, tính cách khác mà trước hết là tình yêu với vợ. Tình yêu đó được thể hiện ở quyết tâm đi cứu vợ khỏi quỷ vương Ra-va-na. Vợ rơi vào tay kẻ thù chắc chắn một người chồng sẽ đi cứu vợ và Ra-ma cũng không phải một ngoại lệ. Chàng cứu được Xi-ta vừa vui, vừa lo âu, buồn bã. Tình yêu còn được thể hiện trong sự ghen tuông rất đỗi đời thường, vợ rơi vào tay một người đàn ông khác lâu như vậy, nếu yêu vợ chẳng có ai lại không ghen, lời nói, hành động ruồng bỏ của Ra-ma cũng là vì lẽ ghen tuông ấy mà ra. Ngoài ra, tình yêu của chàng với Xi-ta còn được thể hiện ở nỗi lòng của Ra-ma khi phải buộc tội vợ, lòng chàng đau như cắt, mỗi lời chàng nói ra như có trăm ngàn vết dao cứa vào tim. Nhưng chàng không thể làm điều gì khác ngoài lời buộc tội ấy, bởi ngoài tư cách là một người chồng, chàng còn là vị quân vương tương lai sau này.

Những bên cạnh đó, Ra-ma còn hiện lên với tư cách công dân, vị quân vương tương lai, trọng danh dự, nhân phẩm. Bởi vậy dẫn đến hành động quyết liệt từ bỏ vợ. Hành động của Ra-ma cho thấy chàng luôn luôn đứng trên quyền lợi của cộng đồng để ra quyết định, điều đó cho thấy Ra-ma là người biết nhìn xa trông rộng, bởi lẽ yêu thương luôn đi liền với danh dự, bỏ mất danh dự tình yêu thương chỉ còn là sự thương hại. Điều này khiến cho trong Ra-ma nảy sinh mẫu thuẫn một mặt muốn yêu thương, bảo vệ Xi-ta mặt khác lại muốn bảo vệ danh dự dòng dõi. Tuy có xung đột như vậy nhưng quyết định cuối cùng vẫn phải trên lập trường nhân vật, cộng đồng. Đây chính là vẻ đẹp nói chung của các vị anh hùng trong sử thi, đặt quyền lợi cá nhân sau quyền lợi cộng đồng, kiên quyết bảo vệ danh dự đến cùng.

Về phía Xi-a nàng cũng mang trong mình nhiều phẩm chất tốt đẹp. Đầu tiên phải kể đến là tình yêu, sự thủy chung của nàng với Ra-ma. Trong những ngày bị quỷ vương bắt nàng luôn giữ gìn tiết hạnh, không cho quỷ vương động đến người mình, bởi cả thể xác và tâm hồn nàng đều thuộc về Ra-ma. Khi Ra-ma đánh thắng quỷ vương, nhận được tin đó Xi-ta nóng lòng muốn gặp lại ngay người chồng yêu thương của mình. Nàng bỏ cả điểm trang, nàng bỏ qua tục lệ tắm rửa vì muốn đến gặp chồng cho nhanh. Việc làm đó chứng tỏ tình yêu nồng nhiệt, cháy bỏng Xi-ta giành cho chồng.

Nhưng đồng thời nàng cũng là một phụ nữ hết sức thông minh, hành động kiên quyết để chứng minh phẩm giá, sự trong sạch của bản thân. Khi gặp chồng nàng phải đứng trước không gian cộng đồng, ngay lập tức nàng đã hiểu ý nghĩa cuộc gặp gỡ này, nàng tỏ ra vô cùng khiêm nhường trước Ra-ma. Bị Ra-ma đặt vào tình thế bất ngờ, từ niềm mong mỏi được gặp chồng nàng bỗng bị đặt trước những lời phán xét cay nghiệt của chính người mà mình yêu thương, nàng đã đưa ra những lí lẽ để chứng minh sự trong sạch của bản thân.

Lập luận của nàng hết sức chặt chẽ, có trước có sau, giọng điệu từ tốn mà vô cùng kiên quyết. Nàng trách Ra-ma đã không suy xetsm đánh đồng nàng với những phụ nữ tầm thường: “giống như kẻ thấp hèn chửi mắng một con mụ thấp hèn”. Và nàng khẳng định phẩm hạnh, tư cách của mình, với những lời lẽ thanh minh hết sức sắc sảo “Ra-va-na đã đụng đến thiếp khi mà thiếp đang chết ngất đi, làm thế nào tránh được”, còn khi nàng tình táo, nằm trong tầm kiểm soát thì “trái tim thiếp đây, là thuộc về chàng”. Những lập luận đanh thép vừa cho thấy tình yêu với Ra-ma vừa cho khẳng định sự trong sạch của Xi-ta. Xi-ta thay đổi cách xưng hô, khi gọi Ra-ma là chàng tự xưng mình là thiếp, khi lại gọi Ra-ma là đức vua. Không chỉ vậy, lời thoại của nàng còn hướng đến những người xung quanh, như một cách để thanh minh, bào chữa cho chính mình.

Nhưng lời bào chữa cũng không thể lấy được niềm tin của Ra-ma, nàng đi đến một hành động kiên quyết, đặt cược cả mạng sống của mình bằng cách tự thiêu, nhờ thần lửa A-nhi chứng minh cho sự trong sạch của bản thân. Nàng bước lên tự tin, không chút sợ hãi, bởi nàng trong trắng, vô tội nên các vị thần linh sẽ chứng giám cho sự trong trắng toàn vẹn của nàng. Với hành động đó, Xi-ta vừa chứng minh được trước toàn thể cộng đồng sự trong sạch, nhân phẩm cao quý của mình, vừa loại bỏ mọi sự ghen tuông đang ngùn ngụt trong lòng Ra-ma. Hành động của Xi-ta còn cho thấy, tự bản thân nàng cũng ý thức được trách nhiệm công dân của mình trong cộng đồng. Bởi vậy nàng phải tìm mọi cách để chứng minh, bảo vệ danh dự cá nhân, danh dự cộng đồng. Ý thức về danh dự, nhân phẩm chính là yếu tố qua trọng nhất ở cả Ra-ma và Xi-ta.

Để tạo nên thành công trong việc xây dựng hai nhân vật ta cần phải kể đến nghệ thuật xây dựng tình huống truyện đặc sắc, giúp các nhân vật bộc lộ phẩm chất bản thân. Ngôn ngữ nhân vật tài tình, tinh tế giúp diễn tả được tâm trạng nhân vật. Ngôn ngữ thường tập trung thuyết giảng đạo đức dựa trên lí tưởng cộng đồng. Nghệ thuật so sánh được vận dụng linh hoạt, giúp tái hiện tâm lí nhân vật.

Với tình thế, thử thách ngặt nghèo đặt ra cho cả Ra-ma và Xi-ta tác giả đã giúp người đọc khám phá những nét tính cách đẹp đẽ trong hai nhân vật. Đó là tình yêu tha thiết, sâu nặng, là ý thức về vai trò của bản thân trong tập thể, cộng đồng. Hai nhân vật là đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp của người Ấn Độ.

Đề bài: Phân tích nhân vật nàng Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội (trích sử thi Ra-ma-ya-na của Ấn Độ)

Bài làm

Xi-ta là một người phụ nữ được lí tưởng hóa: thông minh, chung thủy, giàu lòng tự trọng, tự tin và vô cùng can đảm.

Phẩm chất thông minh ở nàng thể hiện trước hết ở sự linh cảm. Nóng lòng đến gặp chồng sau khi được chồng cứu thoát khỏi bàn tay nhơ bẩn của quỷ vương Ra-va-na, nhưng “Gia-na-ki mở tròn đôi mắt đẫm lệ” nhìn Ra-ma không chỉ là vì thất vọng (cái mà Xi-ta chờ ở chồng là sự âu yếm của cuộc đoàn viên). Sự mẫn cảm ở Xi-ta dường như mách bảo điều gì ghê gớm, rất hệ trọng với nàng sắp sửa diễn ra. Một cơn bão chỉ giây phút nữa thôi sẽ bất ngờ đổ ập xuống mà dấu hiệu của nó lúc này là sự im lặng rất đáng nghi ngơ. Tai Xi-ta nghe Ra-ma nói mà trí tuệ nàng đã đọc ra những ý nghĩa ở ngoài lời. Bao nhiêu những dấu hiệu không lành giúp cho Xi-ta nhận biết. Nào là chính chàng đã cứu thoát cho nàng. Điều này đã quá rõ ràng nên thật là khó hiểu. Bởi thật ra cứu vợ tai qua nạn khỏi là nghĩa vụ muôn đời của mọi người đàn ông chân chính, chưa nói là người quyền quý như Ra-ma. Vậy mục đích của nó là gì? Nào là tại sao gặp nàng, đối thoại với nàng. Ra-ma chỉ nhắc đến những nhân vật không quan trọng (so với bản thân nàng) là Ha-nu-man và Vi-phi-sa-na? Cũng là còn chưa nói đến sự lảng tránh của chính Ra-ma trong đôi mắt có phần thảng thốt của chàng lúc nhìn Xi-ta (mà người dẫn truyện nhận thấy và miêu tả: “lòng Ra-ma đau như dao cắt”), hoặc cách xưng hô bằng cách các đại từ nhân xưng trang trọng là “phu nhân cao quý” nữa,…

Chỉ người vợ yêu chồng mới cảm nhận được nỗi đau khi tình yêu của mình bị chính người chồng làm thương tổn. “Đôi mắt đẫm lệ” của Xi-ta nhìn chồng là đôi mắt bi thương. Bởi lẽ với Xi-ta, điều cao quý và thiêng liêng nhất là tình yêu với chồng. Ngay cả vẻ đẹp thể chất của nàng mà trời phú cho cũng là vì tình yêu ấy. Và bây giờ vẻ đẹp ấy đang sáng lên, đang chờ đợi như một lần trước đây chờ đợi. Chỉ có điều lúc này nó trở nên lạc lõng biết bao. Nó đã là một nghịch cảnh thật trớ trêu khi tình yêu ở chàng đã hết. Nhưng điều đó đầu tiên mới chỉ là cảm giác thoáng qua. Chỉ sau khi nghe hết lời luận tội của Ra-ma, Xi-ta “đau đớn đến nghẹt thở, như một cái dây leo bị vòi voi quật nát”. Tác giả đã sử dụng phép so sánh để đặc tả nỗiđau của Xi-ta. Rồi cả một trường đoạn tiếp theo như những con sóng ào ạt miêu tả cảnh xô đẩy dập vùi. Mỗi lời nói của Ra-ma nhằm vào Xi-ta như những mũi tên trúng đích. Nàng bị săn đuổi đến cùng: “nghe những lời tố cáo chưa từng có, trước mặt đông đủ mọi người, Gia-na-ki xấu hổ cho số kiếp của nàng. Nàng muốn tựchôn vùi cả hình hài thân xác của mình…” Rồi sau đó, lời biện minh của Xi-ta một phần dựa vào lí lẽ, nhưng đến hai phần lại dựa vào tình yêu. Cái lí lẽ ấy thuộc về hoàn cảnh khách quan, bị động (Ra-va-na bắt cóc khi Xi-ta sợ chết khiếp mà ngất đi).Còn tình yêu của nàng thì chưa bao giờ thay đổi. Đó mới là vũ khí, là sức mạnh của nàng để qủy vương không sao chiếm đoạt nổi: “chỉ có số mệnh của thiếp là đáng bị chê trách, nhưng những gì nằm trong vòng kiểm soát của thiếp, tức trái tim thiếp đây là thuộc về chàng”. Thật đáng kiêu hãnh, tự hào khi người phụ nữ có trái tim son sắt ấy!

Trong mối tương quan, Xi-ta ở vào một cái thế không ngang bằng với Ra-ma.

Nàng đang bị phán xét và trước mắt Ra-ma, nàng là người mắc trọng tội (tội không chung thủy), nhưng chưa một lúc nào Xi-ta cảm thấy mình đuối sức để cần đến một sự cầu xin. Có hai niềm tin mà Xi-ta dựa vào. Một là nguồn gốc xuất thân cao quý của nàng cũng y hệt như Ra-ma. Thứ hai, nàng tin vào trái tim của mình như tin vào hi vọng. Lòng tin ấy dõng dạc cất lên: “Hỡi Đức vua! Như một người thấp hèn bị cơn giận giày vò, Người đang nghĩ về thiếp như một phụ nữ tầm thường. Tên thiếp là Gia-na-ki, bởi vì thiếp có liên quan đêía lễ tế sinh của nhà vua Gia-na-ka… Vì không thể suy xét cho đúng đắn, chàng đã không hiểu được bản chất của thiếp… Tình yêu của thiếp, lòng trung thành của thiếp nay xem ra hoàn toàn vô ích!”. Nói đến điều này, Xi-ta òa khóc như một người chịu oan ức. Nàng mới là kẻ đáng thương chứ không phải Ra-ma là kẻ đáng thương.

Hành xử cuối cùng của Xi-ta là bước vào giàn lửa.

Trong tín ngưỡng của đạo Bà La Môn thì thần lửa A-nhi giữ vai trò phán xét tối cao. Lấy cái chết để giải oan là một mô típ nghệ thuật trong văn học bác học và văn học dân gian nhiều nước, nhất là các nước phương Đông. Nhưng có điều trong lời khấn thần linh, nhận ra hai giải pháp sóng đôi: nếu trong sạch thì thế này còn nếu không thì thế khác. Biết rất rõ tấm lòng mình là một dạ kiên trinh, Xi-ta cần đến thần Lửa A-nhi như một sự bao dung, che chở chứ không phải là sự phán xét đúng, sai. Tâm thế của Xi-ta vì thế mà bình tĩnh đến lạ lùng. Trong lúc ấy, mọi người lại đinh ninh là nàng sẽ chết, vì oan ức mà chết. Chính sự so le của hai thế giới quan (một thần thoại và một hiện thực) đã làm cho hành vi tử vì đạo của Xi-ta đột ngột thăng hoa trong sự cao cả tuyệt vời. Một chấn động tinh thần ghê gớm của những người chứng kiến đã xảy ra không gì kiềm giữ nổi cũng là một lẽ đương nhiên khi tiễn biệt một tâm hồn cao cả về với thần linh vĩnh viễn. Nhưng thần Lửa A-nhi đã giải thoát cho nàng. Kết thúc đầy chất lãng mạn này là sự gửi gắm một niềm tin, niềm hi vọng của con người.