Tiết 1: Tự nhiên, dân cư và xã hội

(trang 99 sgk Địa Lí 11): – Dựa vào hình 11.1, hãy cho biết khu vực Đông Nam Á tiếp giáp với các biển và đại dương nào? Nêu ý nghĩa của biển và đại dương đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực.

Để học tốt Địa Lý 11 | Giải bài tập Địa Lý 11

Trả lời:

– Tiếp giáp các biển: Andaman, Araphura; các đại dương: Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.

– Ý nghĩa: Có điều kiện thuận lợi để phát triển tổng hợp kinh tế biển, giao lưu giữa các nước trong khu vực và giữa khu vực với thế giới bằng đường biển.

(trang 99 sgk Địa Lí 11): – Dựa vào lược đồ “Các nước trên thế giới” trang 4, 5 trong sách giáo khoa, đọc tên các quốc gia thuộc Đông Nam Á lục địa, Đông Nam Á hải đảo.

Trả lời:

– Các quốc gia thuộc Đông Nam Á lục địa: Mi-an-ma, Lào, Thái Lan, Căm-pu-chia, Việt Nam, Ma-lai-xi-a.

– Các quốc gia thuộc Đông Nam Á hải đảo: Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Đông Ti-mo, Phi-lip-pin.

(trang 99 sgk Địa Lí 11): – Việc phát triển giao thông của Đông Nam Á lục địa theo hướng đông – tây có những ảnh hưởng gì đôi với sự phát triển kinh tế – xã hội?

Trả lời:

Do hướng của địa hình khu vực Đông Nam Á chủ yếu hướng tây bắc – đông nam hoặc bắc – nam (cá biệt có phần lãnh thổ In-đô-nê-xi-a trên đảo Niu Ghi-nê có hướng đông tây) nên việc phát triển giao thông theo hướng đông – tây gặp nhiều trở ngại, tuy nhiên là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với các nước Mi-an-ma, Thái Lan, Lào, Căm-pu-chia và Việt Nam. Các nước này có chiều dài lãnh thổ gần như theo hướng bắc – nam, nên cần thiết phải phát triển các dự án phát triển giao thông theo hướng đông – tây để tạo thuận lợi trong thông thương, hợp tác cùng phát triển.

Bài 1: Nêu những thuận lợi và khó khăn về điều kiện tự nhiên trong sự phát triển kinh tế của khu vực.

Lời giải:

– Thuận lợi:

+ Khí hậu nóng, ẩm; hệ đất trồng phong phú, mạng lưới sông ngòi đặc, thuận lợi cho phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới.

+ Lợi thế về biển: Các nước trong khu vực (trừ Lào) đều giáp biển, thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển cũng như thương mại, làng hải.

+ Có điều khoáng sản, đặc biệt có nhiều dầu khí (ở vùng thềm lục địa) là nguồn nguyên, nhiên liệu cho phát triển kinh tế.

+ Diện tích rừng xích đạo và nhiệt đới ẩm lớn, tài nguyên rừng giàu có.

– Khó khăn: chịu ảnh hưởng nặng nề của các thiên tai như động đất, sóng thần, bão, lũ lụt, hạn hán.

Bài 2: Hãy làm rõ những trở ngại từ các đặc điểm dân cư và xã hội đối với sự phát triển kinh tế trong khu vực.

Lời giải:

– Số dân đông, mật độ dân số cao, tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên khá cao (hiện nay có xu hướng giảm). Dân đông, trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế chưa cao đã ảnh hưởng tới vấn đề việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống.

– Lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao còn hạn chế.

– Phân bố dân cư không đều, tập trung đông ở đồng bằng châu thổ của các sông lớn, vùng ven biển và một số vùng đất đỏ badan, gây sức ép đến tài nguyên đất đai và khó khăn trong giải quyết việc làm, trong khi các vùng giàu tài nguyên ở miền núi thiếu lao động.

– Các quốc gia có nhiều dân tộc. Một số dân tộc phân bố rộng, không theo biên giới quốc gia, gây không ít khó khăn trong quản lí, ổn đỉnh chính trị, xã hội ở mỗi nước.