Đề bài: Phân tích sáu câu thơ cuối đoạn trích “Cảnh ngày xuân” trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

Bài làm

Mặc dù “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã cách xa chúng ta hơn ba thế kỉ nhưng những câu thơ trong “Truyện Kiều” vẫn cứ réo rắc, ngân nga, lặng lẽ chảy vào trong chiều sâu văn hóa, tâm hồn của mỗi người dân Việt. Ta không khó để có thể bắt gặp những con người yêu Kiều như bói Kiều, vịnh Kiều và ngâm Kiều… Vậy, đâu là điều làm nên sức ảnh hưởng và sực sống lâu bền ấy của tác phẩm? Đó không chỉ nhờ có phương diện nội dung mà còn có cả những đóng góp về yếu tố nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Một trong các thủ pháp nghệ thuật đạt tới đỉnh cao hiếm có trong “Truyện Kiều” là thủ pháp “tả cảnh, tả tình” (hay còn gọi là tả cảnh ngụ tình). Sáu câu thơ cuối đoạn trích “Cảnh ngày xuân” là một minh chứng tiêu biểu cho sự thành công về mặt nghệ thuật ấy.

Tà tà bóng ngả về tây

Chị em thơ thẩn dan tay ra về

Bước dần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Nếu như ở những câu thơ trước, khung cảnh thiên nhiên và bức tranh lễ hội mùa xuân hiện lên thật sống động, tươi vui, chan chứa sức sống với lòng người rộn rã, náo nức, đông vui vào lúc sáng sớm dưới ánh sáng bình minh ấm áp, thì đến sáu câu thơ cuối, nhịp thơ như chùng xuống, chậm lại nhẹ nhàng trong bức tranh của buổi chiều hoàng hôn, thấm đượm hồn người một chút buồn xao xuyến. Đó là khung cảnh chị em Kiều du xuân trở về:

Tà tà bóng ngả về tây

Chị em thơ thẩn dan tay ra về

Cảnh vẫn mang cái dịu nhẹ, êm đềm của ngày xuân nhưng bóng dương đã “tà tà ngả về tây”. Từ láy “tà tà” rất giàu tính tạo hình, lại vừa giàu tính biểu cảm, vừa có tác dụng diễn tả sự chuyển động về mặt không gian, lại vừa diễn tả sự vận động về mặt thời gian. Ánh nắng xuân ấm áp mươn man đã phải nhường chỗ cho ánh nắng chiều sắp tắt. Cảnh vật trở nên hư ảo, bao phủ một màu sắc của bóng tối. Vì thế tâm hồn con người cũng bắt đầu “chuyển điệu” cùng với cảnh vật. “Thơ thẩn” nghĩa là vẩn vơ, mơ mang, lan man trong suy nghĩ. Chị em Kiều dắt tay nhau trở về trong một trạng thái bịn rịn, lưu luyến ngập ngừng, chậm rãi như đang tiếc nuối trước bước đi quá vội vã của thời gian ngày xuân.

Khung cảnh náo nức, tưng bừng của ngày hội xuân cũng đã kết thúc. Trong lòng người xen lẫn những xúc cảm bâng khuâng xao xuyến. Cảnh vật không gian đã được co gọn lại trong bước chân của người ra về, của dòng nước tiểu khê và chiếc cầu nho nhỏ:

Bước dần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Khác với bốn câu thơ mở đầu, cảnh vật thiên nhiên rộng lớn, mênh mông trong sắc cỏ xanh non tít tắp, trong cánh én bay lượn trên vòm trời bao la thì đến đây, cảnh vật lại trở nên nhỏ nhắn, mềm mại, rất vừa vặn trong khung cảnh buổi chiều tà. Chả lại cho thiên nhiên sự vắng lặng, yên ả đến lạ thường. Những từ láy: “nao nao, tà tà, thơ thẩn, thanh thanh” không chỉ có tác dụng miêu tả trạng thái của cảnh vật mà còn biểu lộ tâm trạng của con người: lưu luyến, bịn rịn, bâng khuâng hoàn toàn đối lập với không khí với ngày lễ hội mùa xuân vào buổi sáng sớm.

Nhà thơ thật tinh tế trong việc quan sát cảnh vật và phát hiện ra cái “nao nao” của dòng nước đang chảy. Tác giả như đang nhập vào hồn nhật vật trữ tình trong thơ mà cảm nhận thấm thía cái nỗi buồn bịn rịn. Thông thường, khi miêu tả nước chảy, người ta thường gắn với âm thanh “róc rách”, “rì rầm” nhưng ở đây, Nguyễn Du lại gắn dòng nước với cái “nao nao”. Nghệ thuật lấy “động để tả tĩnh” đã có tác dụng gợi lên một không gian tĩnh mịch, thanh thoát. Từ “nao nao” không chỉ cho thấy cái lưu tốc chảy thực chậm, nhẹ nhàng, dường như không chảy của dòng nước mà còn diễn tả cái tâm trạng buồn buồn vô cớ của con người. Phải chăng lòng người đang mang nỗi tâm tư nên cảnh vật cũng nhuốm màu tâm trạng:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Cảnh vật thực ra thì không buồn, nhưng thời gian thì lại đượm buồn; sắc xuân vẫn tươi thắm nhưng cảnh vật yên ắng khiến lòng người thổn thức, nao nao. Từ đó, gieo vào lòng người đọc những linh cảm về một điều sắp sửa xảy ra, như là sự dự báo trước cuộc gặp gỡ nấm mồ Đạm Tiên và sự gặp gỡ của hai con người trai tài gái sắc: Thúy Kiều – Kim Trọng.

Tóm lại, với bút pháp tả cảnh ngụ tình, kết hợp với việc sử dụng hệ thống những từ láy, hình ảnh giàu tính tạo hình và biểu cảm, tác giả đã khắc họa bức tranh chiều tà trong ngày hội xuân thấm đượm tâm trạng của con người nhân vật. Qua đó cho thấy được tài năng miêu tả cảnh, tả tình của đại thi hào Nguyễn Du.

Đề bài:

Bài làm

Nguyên tắc của thơ xưa, khi miêu tả cảnh bao giờ cũng gắn với con người và thể hiện tình cảm của đối tượng. Khung cảnh luôn là vật chiếu, khúc xạ những tâm tư, tình cảm của nhân vật “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Không nằm ngoài nguyên tắc chung đó, thơ Nguyễn Du cũng thể hiện tương tự như vậy. Sáu câu thơ cuối trong đoạn trích Cảnh ngày xuân không chỉ kể về kết thúc ngày hội du xuân, mà còn thể hiện những xúc cảm, suy nghĩ của nhân vật.

Tà tà bóng ngả về tây

Chị em thơ thẩn dan tay ra về

Trời đã về chiều, mặt trời đã dần ngả về phương tây. Trong văn học cổ hay hiện đại, thời gian buổi chiều luôn là khoảng thời gian gợi nhiều nỗi niềm, tâm trạng. Bởi vậy, cái “dan tay” của ba chị em tưởng lại vui, mà hóa ra lại thấm đẫm tâm trạng bâng khuâng, man mác buồn. Thời gian mùa xuân trôi nhanh cũng như ngày lễ hội đi qua. Sau những cái ồn ào, đông vui, tấp nập của không khí mùa xuân là những khoảng lặng khi ngày hội tàn, để lại trong lòng người biết bao tâm sự.

Bước dần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang

Khung cảnh hiện lên với nhưng nét bé nhỏ, trong trẻo, tác giả dùng hàng loạt các từ “thanh thanh”, “tiểu” “nho nhỏ” gợi sự nhỏ bé, mảnh mai của cảnh vật. Dường như về chiều mọi vật đều trở nên thanh mảnh và bé nhỏ hơn, ánh nắng cũng nhạt dần, mờ dần. Bức tranh vừa mơ mộng, nên thơ vừa phảng phất hiu quanh, man mác buồn. Trong bốn câu thơ tác giả còn sử dụng hàng loạt các từ giàu giá trị tạo hình và biểu cảm. Đặc biệt là từ láy “nao nao” gợi lên cảm giác bâng khuâng, xao xuyến về một ngày vui, đồng thời nó cũng như một dự cảm về những điều sắp xảy ra. Cái “nao nao” ấy vừa thể hiện dư âm của cái đã qua – ngày hội tàn, vừa là dự cảm cho những gì sắp tới – gặp nấm mộ Đạm Tiên. Cách tả tình, tả cảnh của Nguyễn Du thật khéo léo và tinh tế, chuyển cảnh mà có cảm tưởng như chưa hề có bất cứ chuyển động nào. Đó là cái thần tình của người nghệ sĩ tài hoa.

Đầu và cuối tác phẩm Nguyễn Du đã dựng lên hai bức tranh thiên nhiên nhưng đồng thời cũng là hai bức tranh tâm trạng. Bức tranh đầu náo nức, vui tươi, tràn ngập sức sống bao nhiêu thì bức tranh cuối lại đạm đạm, hiu hiu, man mác buồn bấy nhiêu. Khung cảnh không chỉ là cảnh mà còn là tình, là tâm trạng của những trái tim nhạy cảm, dễ rung động, đồng thời cảnh ấy còn mang tính chất dự báo về cuộc gặp gỡ định mệnh của Thúy Kiều phía sau. Qua đó càng khẳng định hơn nữa tài năng nghệ thuật bậc thầy của Nguyễn Du.

Để lột tả vẻ đẹp của bức tranh cũng như tâm trạng của nhân vật, Nguyễn Du tỏ ra là người hết sức khéo léo trong việc sử dụng ngôn từ. Ông sử dụng linh hoạt các từ láy: nao nao, tà tà, thanh thanh,… vừa diễn tả khung cảnh vừa miêu tả tâm trạng nhân vật. Ngoài ra cũng cần kể đến giọng điệu thơ tha thiết, luyến tiếc, phảng phất nỗi buồn. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tài ba.

Bằng ngôn từ tài hoa, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình khéo kéo, Nguyễn Du đã vẽ nên bức tranh sau hội thật đẹp mà cũng thật buồn. Bức tranh ấy thấm đẫm tâm trạng của những con người trẻ tuổi sau ngày lễ hội vui tươi. Đồng thời bức tranh ấy cũng làm nền cảnh cho sự xuất hiện của các sự kiện tiếp theo.