Bài 4: Thực hành: Tìm hiểu những cơ hội và thách thức của toàn cầu hóa đối với các nước đang phát triển

Nội dung thực hành

Bài 1 (trang 17 sgk Địa Lí 11): Trình bày cơ hội và thác thức của toàn cầu hóa đối với các nước đang phát triển.

Lời giải:

1. Cơ hội

– Trao đổi hàng hoá trên thị trường thế giới thuận lợi. Mở rộng thị trường tiêu thụ và cạnh tranh bình đẳng trong một môi trường không bị đối xử phân biệt.

Ví dụ : Kể từ ngày gia nhập WTO (năm 2002), Trung Quốc đã khôn khéo khai thác tốt các cơ hội, nhờ vậy chỉ sau 2 năm (2004) đã đạt nhiều thành quả to lớn: tốc độ tăng trưởng GDP rất cao 9,5%, xuất siêu 32,7 tỉ USD, thu hút 60,6 tí USD và năm 2006 ngành công nghiệp ô tô đứng thứ 3 thê giới vởi 7,28 triệu chiếc.

– Thuận lợi trong tiếp nhận và sử dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ.

– Tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hoá của nhân loại.

– Chia sẻ, hợp tác, học tập các kinh nghiệm về bảo vệ môi trường.

– Nhanh chóng đón đầu được công nghệ hiện đại, áp dụng ngay vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

Ví dụ : Nhiều nước đang phát triển trở thành nước công nghiệp mới (Hàn Quốc, Xin-ga-po, Bra-xin…) nhờ sớm hội nhập vào xu thế toàn cầu hoá.

– Có điều kiện chuyển giao những thành tựu mới về khoa học công nghệ; về tổ chức và quản lí, về sản xuất và kinh doanh tới tất cả các nước.

– Thực hiện chủ trương đa phương hoá quốc tế, chủ động khai thác các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến của các nước khác.

2. Thách thức

– Bị áp lực lớn trong cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm hàng hoá.

Ví dụ: Hàng hoá các nước đang phát triển vẫn bị ngăn trở khi thâm nhập thị trường các nước lớn bằng một số biện pháp do các nước phát triển đặt ra: áp đặt luật chống bán phá giá (vụ cá tra, cá ba sa của Việt Nam khi nhập vào thị trường Hoa Kì); dựng các hàng rào kĩ thuật khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, về điều kiện sản xuất của các nước sở tại, tiếp tục trợ giá cho các mặt hàng nông sản trong nước….

– Cần có vốn, có nguồn nhân lực kĩ thuật cao và làm chủ được các ngành kinh tế mũi nhọn.

– Nguy cơ làm mai một và xói mòn các giá trị văn hoá, và đạo đức truyền thống.

– Nguy cơ cạn kiệt nhanh chóng tài nguyên và suy thoái môi trường rất lớn. Nguy cơ trở thành “bãi thải công nghệ của các nước phát triển”.

Ví dụ: Nhiều nước châu Phi giàu tài nguyên quý hiếm Ni-giê-ri-a, An-gô-la,…, nhưng mức sống vẫn rất thấp (GDP/người nhỏ hơn 350 USD). Tài nguyên khoáng sản và rừng của hầu hết các nước châu phi bị khai thác kiệt quệ bởi các công ti tư bản nước ngoài…

– Tình trạng phụ thuộc vốn, kĩ thuật công nghệ và vật tư thiết bị vào nước ngoài ngày càng chặt chẽ.

Ví dụ: Tình trạng phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài ngày càng lớn của các nước Mĩ La tinh, biểu hiện ở khoản nợ nước ngoài vượt trên 50% GDP.